Mục lục
VN-Index tiếp tục lao dốc mạnh trong tuần đầu tiên của tháng 11 [31.10 – 04.11].
Cụ thể:
Tính cho cả tuần, VN-Index giảm 30.21 điểm, xuống còn 997.15 điểm. Lại bục ngưỡng tâm lý 1,000 điểm.
#Về xu hướng ngành
Nguyên vật liệu là một trong những ngành giảm mạnh nhất trong tuần. Hàng loạt ông lớn ngành thép công bố báo cáo tài chính với những khoản lỗ vượt xa dự báo.
Cụ thể, Hoà Phát (HPG) lỗ sau thuế 1,786 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ cao nhất từ trước đến nay. Trong 15 năm qua, đây chỉ mới là quý lỗ thứ 2 của “vua thép”.
Hay như Thép Pomina (POM) bất ngờ lỗ hơn 715 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) cũng lỗ kỷ lục 534 tỷ đồng.
Điều này đã khiến nhóm cổ phiếu này giảm mạnh. Trong đó, NKG giảm 17.53%, HPG sụt 12.8%, HSG và POM cùng hiện sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại…
Ngành thực phẩm đồ uống lại có tuần khởi sắc khi hai ông lớn VNM và MSN cùng hiện sắc xanh tích cực. Cụ thể, VNM tăng 2.56%, MSN tăng nhẹ lên trên tham chiếu.
Dựa trên báo cáo thị trường việc làm mới nhất được công bố, có thể thấy dù vẫn vững vàng nhưng kinh tế Mỹ đã bắt đầu hạ nhiệt tăng trưởng.
Thị trường lao động Mỹ vẫn vững vàng, tuy nhiên hiện giờ đang xuất hiện thêm những dấu hiệu cho thấy thị trường và kinh tế Mỹ hạ nhiệt sau chiến dịch nâng lãi suất cơ bản đồng USD mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Theo Wall Street Journal, giới chủ Mỹ tuyển dụng ước tính 261,000 việc làm trong tháng 10.2022, một con số khá ấn tượng…
…nhưng tuy nhiên đây là số lượng việc làm mới phi nông nghiệp thấp nhất tính từ tháng 12.2020, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở mức 3.7%.
Tăng trưởng mức lương trong tháng 10/2022 tăng lên so với tháng liền trước.
Còn nếu tính theo năm, tăng trưởng mức lương đã hạ nhiệt. Dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang giảm tốc tăng trưởng.
Lạm phát là kẻ thù số 1 của FED!
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu đến từ việc thắt chặt nguồn cung dẫn tới giá năng lượng và lương thực tăng cao (chiến sự Nga – Ukraine).
Do đó, lạm phát chỉ thực sự được giải quyết khi gốc rễ của vấn đề…
…là giá năng lượng, lương thực giảm.
Nhưng đây không phải vấn đề mà FED có thể can thiệp.
Do đó, việc tăng lãi suất và giảm cung tiền là việc “khả dĩ nhất” mà FED hay Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới có thể làm để kiềm chế lạm phát.
Về đầu tư, thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước nền kinh tế một khoảng thời gian nhất định (thường là 3 – 6 tháng)…
…và lịch sử đã chứng minh “thị trường sẽ tạo đáy khi lạm phát đạt đỉnh“.
Simplize cho rằng, lạm phát trên quy mô toàn cầu đang tiến sát vùng đỉnh nếu không có sự kiện bất thường mới xảy ra.
Bạn cũng nên lưu ý rằng:
“Chiến tranh rất khó lường và chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình chiến sự Nga – Ukraine sẽ kết thúc trong thời gian ngắn.”
CTCP Tập đoàn Hoà Phát lần đầu báo lỗ sau 13 năm khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 âm 1,786 tỷ đồng.
Trong quý 3, Hoà Phát cho biết đạt doanh thu hơn 34,440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó. Doanh thu của đại gia thép này đã liên tục đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý 4 năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn âm 1,786 tỷ đồng quý 3. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.
Theo lý giải của Hoà Phát…
Kết quả kinh doanh trên do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường.
Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty.
Điều gì đến cũng phải đến, đỉnh biên lợi nhuận ròng 24% cho 1 doanh nghiệp công nghiệp nặng là quá tốt và mọi thứ đang dần trở về đúng quỹ đạo.
Simplize cho rằng, HPG sẽ lại quay trở lại năm 2019, chấp nhận giảm lợi nhuận để chiếm thị phần – trong khi đợi nhà máy Dung Quất 2 (cuối 2024), hoặc khi thị trường bất động sản ấm trở lại.
Mức định giá P/B đang ở đáy 5 năm là cực kỳ rẻ với doanh nghiệp tuyệt vời như HPG, tuy nhiên nếu bạn gặp áp lực về chi phí vốn thì cũng không nên quá vội vàng.
Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối (đồng USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt. Đây là nhận định trong bài viết mới đăng trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 1/11.
Theo tác giả Megha Mandavia, giai đoạn “tăng trưởng vàng” – khi mọi thứ đều cân bằng đến hoàn hảo và những ngày suôn sẻ thuận lợi hậu đại dịch COVID-19 của Việt Nam dường như đã qua.
Tuy nhiên, những gì mà Việt Nam làm được đang là điều mà nhiều quốc gia khác mong muốn mà chưa làm được trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi.
Tất nhiên, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn đối với Việt Nam nếu thế giới rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Đồng thời, Việt Nam cũng có lợi thế xuất phát từ vị thế tăng trưởng đáng ngưỡng mộ với GDP quý 3.2022 tăng vọt 13.7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh.
Như đã khẳng định ở Góc nhìn Simplize những kỳ trước, Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng trong sân chơi toàn cầu giống như HPG trong ngành thép…
Tuy nhiên chắc chắn là chúng ta cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi nền kinh tế toàn cầu gặp vấn đề.
Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize