Mục lục
Thị trường chứng khoán tuần đầu tháng 8 đón nhận thông tin rất tích cực từ thị trường năng lượng.
Giá dầu Brent đã giảm 8.7% về mức 94$/thùng trong tuần giao dịch gần nhất, qua đó phá vỡ ngưỡng tâm lý 100$/thùng.
Lạm phát do chi phí đẩy (giá năng lượng tăng cao) đang là vấn đề hết sức đau đầu với các nhà điều hành chính sách trên toàn thế giới.
Simplize cho rằng, không có chính sách kiềm chế lạm phát nào hiệu quả hơn giá năng lượng tự điều chỉnh giảm.
Đây là tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu…
…nếu giá dầu tiếp tục hạ nhiệt thì rất có thể các ngân hàng trung ương sẽ không cần dùng tới Lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát.
Kể từ năm 1857, nước Mỹ đã trải qua 34 cuộc suy thoái kinh tế chính thức, kéo dài từ 2 tháng cho đến hơn 5 năm.
Tuy nhiên, nhờ những chính sách điều hành hiệu quả cũng như nghiên cứu chuyên sâu của chuyên gia…
…nền kinh tế Mỹ đang ngày càng ít suy thoái trong thời gian vài thập niên trở lại đây.
Không những thế, thời gian diễn ra các cuộc suy thoái cũng ngày càng ngắn!
Tính từ đầu thế kỷ 21, Mỹ mới trải qua 3 cuộc suy thoái, thậm chí là đại dịch Covid19 năm 2020 cũng chỉ là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử nước này với thời gian 2 tháng.
Trong năm vừa qua, tăng trưởng thu nhập cá nhân tại Mỹ đã giảm tốc; trong khi các ngành sản xuất gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát cao.
Đây là dấu hiệu báo trước chung của 3 cuộc suy thoái gần đây nhất, trước khi nền kinh tế bộc lộ tiêu cực rõ ràng.
Dẫu vậy, việc nước Mỹ đã suy thoái hay chưa còn không rõ bởi tăng trưởng ở một số ngành như công nghiệp vẫn khá mạnh.
Nền kinh tế suy thoái kéo dài luôn là cụm từ gây ám ảnh với các nhà đầu tư…
Bởi nó đồng nghĩa với việc kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, và thị trường chứng khoán sẽ bước vào đợt điều chỉnh trong dài hạn.
Tuy nhiên, số liệu đã cho thấy, dường như các chính sách điều hành của Mỹ đang ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn, khi mà họ đã học được những bài học từ trong quá khứ.
Chính điều này đã giúp nền kinh tế Mỹ lấy lại đà tăng trưởng ngày càng nhanh sau mỗi cuộc suy thoái xảy ra, và rút ngắn thời gian của mỗi cuộc suy thoái.
Vậy nên, hãy bình tĩnh và xem xét thật kỹ khi thấy số liệu của nền kinh tế Mỹ kém hay chỉ số DowJones giảm điểm nhé. Rất có thể… bạn sẽ bán cổ phiếu đúng đáy đó!
Chia sẻ về vấn đề này trên Thời báo Tài chính Việt Nam…
TS.Lê Xuân Nghĩa cho biết, lạm phát ở nhiều nước trên Thế giới vừa là do cầu kéo, vừa là do chi phí đẩy. Còn ở Việt Nam, lạm phát chủ yếu là do chi phí đẩy.
“Trong quá trình ứng phó với dịch bệnh vừa qua, chúng ta chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa, gần như không phát hành tiền cho chi tiêu ngân sách như các nước khác.
Do đó, chúng ta không có lạm phát do cầu kéo, giúp Việt Nam ở thời điểm hiện tại gần như thoát được vòng xoáy lạm phát và suy thoái kinh tế trên Thế giới.”
Theo ông, trong lạm phát do chi phí đẩy, để kéo giảm lạm phát thì các chính sách về Thuế quan trọng hơn cả!
Còn về chính sách tiền tệ, giả định Ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, ngay lập tức sẽ làm suy giảm sản xuất; từ đó làm giảm cung hàng hóa, làm lạm phát tăng lên.
Nếu Ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ thì sẽ kích hoạt lạm phát qua việc làm tăng tỷ giá hối đoái, khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng theo tỷ giá.
Do đó, chính sách lâu nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là rất thận trọng, chỉ linh hoạt trong trường hợp cần thiết.
Với lạm phát do chi phí đẩy, vai trò của Ngân hàng trung ương là rất nhỏ.
Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực, nên việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất (như cách các Ngân hàng trung ương trên Thế giới đang làm) là điều chưa cần thiết.
TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng:
“Tạm thời trong quý 3, chúng ta chưa nên đụng tới chính sách tiền tệ. Lãi suất mà tăng là thị trường chứng khoán gay go. Do đó, tôi tán thành việc duy trì tính thận trọng của chính sách tiền tệ.”
Simplize rất đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Nghĩa…
Như biểu đồ dưới đây, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều giai đoạn 2002 – 2011
Tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 2011 đến nay chỉ khoảng 10 – 15%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 20 – 25%/năm trong giai đoạn trước.
Do đó, để đối phó với lạm phát ở Việt Nam, các chính sách về thuế, ví dụ như hạ mức thuế suất để giảm giá cả hàng hóa quan trọng hơn sử dụng chính sách tiền tệ (tăng lãi suất).
Quyết định áp các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm mía đường của Thái Lan được Bộ Công Thương đưa ra ngày 1/8…
Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan sẽ bị áp thuế chống lẩn tránh.
Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng là 47.64%; trong đó, thuế chống bán phá giá là 42.99% và thuế chống trợ cấp là 4.65%. Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.
Tháng 6 năm ngoái, Bộ Công Thương cũng đã áp dụng Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập trực tiếp từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, với mức thuế suất tổng cộng 47.64%.
Theo tính toán, 3,300 người lao động đã bị mất việc làm và 93,225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1.5 triệu tấn, tăng 330.4% so với năm 2019.
Nếu bạn vẫn đang ngưỡng mộ quy mô Top 15 thế giới về vốn hóa các doanh nghiệp sản xuất thép của Thép Hòa Phát (Mã: HPG) thì 1 phần quan trọng làm nên sự thành công đó…
…đó chính là việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016. Nhờ đó, tạo điều kiện cho Hòa Phát xây dựng, mở rộng nhà máy Dung Quất thành công.
Bạn nên nhớ rằng…
Việt Nam tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại, nếu một mặt hàng được lựa chọn bảo hộ thì Bộ Công Thương sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố cần thiết, từ chính trị, an ninh lương thực, cán cân xuất nhập khẩu…
Vậy nên các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước chắc chắn sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái quyết tâm bảo hộ ngành đường của Bộ Công Thương.
Sau khi áp thuế tự vệ lên đường Thái Lan hồi đầu năm 2021, tới tháng 8 năm nay Bộ Công Thương lại tiếp tục áp thuế tự vệ lên 5 nước trong ASEAN là minh chứng rõ ràng cho việc này.
Một số doanh nghiệp sản xuất đường lớn trong nước:
Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize