Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tài sản dài hạn là gì? Những điều bạn nhất định phải biết về tài sản dài hạn (a-z)

Tài sản dài hạn là gì? Những điều bạn nhất định phải biết về tài sản dài hạn (a-z)

Vân Anh Đào26/03/2024

Bạn có bao giờ tự hỏi, điều gì tạo nên sức mạnh tiềm tàng của một doanh nghiệp?

Bí quyết nằm ở tài sản dài hạn của các doanh nghiệp, những “viên kim cương” đang ẩn mình trong bảng cân đối kế toán.

Bởi, tài sản dài hạn là một cấu phần quan trọng trong báo cáo tài chính, cung cấp thông tin quan trọng về tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng tạo ra dòng tiền của mọi doanh nghiệp.

Nếu bạn đang đầu tư chứng khoán, việc tìm hiểu kỹ cấu phần tài sản nói chung và tài sản dài hạn nói riêng là điều nhất định phải làm.

Vậy…

Tài sản dài hạn là gì?

Dựa theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tài sản dài hạn là các tài sản có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo.

Tương tự như các tài sản khác, tài sản dài hạn là khoản mục được trình bày trên bảng cân đối kế toán và được hình thành từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Tài sản dài hạn được trình bày trên bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán hợp nhất của Tập đoàn Hòa Phát tại 30/6/2023

Tài sản dài hạn có đặc điểm gì?

Bạn sẽ thấy rõ 2 đặc điểm sau:

  • Thời gian sử dụng: Có thời gian sử dụng trên 1 năm hoặc trong nhiều chu kỳ kinh doanh.
  • Lợi ích kinh tế: Việc sử dụng tài sản đó chắc chắn đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai

Ngoài ra, tài sản dài hạn có tính thanh khoản thấp và thường tốn nhiều vốn để đầu tư và chi phí duy trì.

Các loại tài sản dài hạn

7 loại tài sản dài hạn trong doanh nghiệp

Thực tế, có đến 7 loại tài sản dài hạn trong doanh nghiệp:

  • Tài sản cố định hữu hình
  • Tài sản cố định vô hình
  • Tài sản cố định thuê tài chính
  • Bất động sản đầu tư
  • Khoản đầu tư tài chính dài hạn
  • Khoản phải thu dài hạn
  • Tài sản dở dang dài hạn

Trong quá trình phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp bạn cần nắm rõ các loại tài sản để có thể đưa ra những nhận đính chính xác hơn.

Bây giờ, tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết từng loại.

#1 Tài sản cố định hữu hình

Tài sản cố định hữu hình là các loại tài sản có hình thái vật chất, hiểu đơn giản là bạn có thể nhìn thấy, cầm nắm được.

Bên cạnh đó, tài sản cố định hữu hình có thể do doanh nghiệp tự mua, tự xây dựng hoặc đi thuê dài hạn.

Ví dụ:

  • Nhà xưởng
  • Máy móc
  • Phương tiện vận tải,…

Loại tài sản này có nguyên giá từ 30 triệu đồng trở lên và cần phải khấu hao định kỳ trong thời gian sử dụng.

Nếu bạn chưa biết khấu hao tài sản là gì thì… bạn có thể hiểu đơn giản như sau:

Khấu hao là yếu tố giúp đánh giá giá trị thực tài sản của doanh nghiệp, việc phân bổ giá trị tài sản cố định vào chi phí sản xuất kinh doanh trong thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. 

Nói cách khác, khấu hao là biểu hiện phần giá trị tài sản cố định đã bị hao mòn do sử dụng, do tác động của tự nhiên, do lỗi thời.

Được biết, thời gian khấu hao của mỗi tài sản cố định là khác nhau (từ 8-50 năm), bạn có thể tìm hiểu tại:

Bạn có thể theo dõi giá trị mà doanh nghiệp đã trích khấu hao định kỳ tại “Giá trị hao mòn lũy kế” trên bảng cân đối kế toán.

Bảng cân đối kế toán công ty mẹ (HPG) tại ngày 30/09/2023

Tài sản cố định hữu hình dùng được dùng sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Thêm vào đó, sử dụng tài sản cố định hữu hình hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Một doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất) mà có giá trị tài sản cố định giảm dần theo hàng năm mà không có dấu hiệu tăng lên, chứng tỏ doanh nghiệp đó đang gặp vấn đề về tài chính hoặc đang không sử dụng tài sản cố định hiệu quả.

Ví dụ:

Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, Hòa Phát liên tục đầu tư vào tài sản cố định.

Giá trị tài sản cố định của HPG 5 năm gần đây

Đây chính là dấu hiệu Hòa Phát là một doanh nghiệp có tiềm lực sản xuất kinh doanh và dòng tiền rất tốt.

#2 Tài sản cố định vô hình

Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất, hiểu đơn giản là bạn không thể nhìn thấy hay cầm nắm.

Tài sản cố định vô hình thể hiện tổng giá trị mà doanh nghiệp đã đầu tư, đã chi trả, nhằm có được các lợi ích hoặc các nguồn có tính chất kinh tế, mà giá trị của chúng xuất phát từ các đặc quyền hoặc quyền của doanh nghiệp.

Ví dụ:

  • Quyền sử dụng đất
  • Bằng phát minh sáng chế
  • Lợi thế thương mại,…

Tương tự với, tài sản hữu hình, tài sản cố định vô hình cũng có thể do doanh nghiệp tự mua, tự tạo ra hoặc đi thuê dài hạn.

#3 Tài sản cố định thuê tài chính

Tài sản cố định thuê tài chính là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê từ công ty cho thuê tài chính để sử dụng trong thời gian dài (trên 12 tháng).

Ví dụ: Doanh nghiệp thuê máy móc, thiết bị để sản xuất sản phẩm; thuê văn phòng để làm việc.

Mặc dù doanh nghiệp không sở hữu loại tài sản này nhưng trong thời gian thuê, doanh nghiệp cần phải tiến hành trích khấu hao cho nó.

#4 Bất động sản đầu tư

Bất động sản đầu tư là các loại bất động sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp và được doanh nghiệp sử dụng với mục đích cho thuê hoặc bán lại để kiếm lợi nhuận.

Có 1 điểm tôi muốn bạn lưu ý, một doanh nghiệp có thể sở hữu rất nhiều bất động sản. Tuy nhiên, không phải bất động sản nào cũng được xếp vào loại bất động sản đầu tư.

Vì sao?

Bất động sản phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc bất động sản được bán trong kỳ sản xuất kinh doanh không được coi là bất động sản đầu tư mà sẽ được coi là tài sản cố định.

Lý do:

Bất động sản phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là tài sản được sử dụng trực tiếp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích chính là tạo ra lợi nhuận thông qua việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.

Bất động sản được bán trong kỳ sản xuất kinh doanh cũng được coi là tài sản phục vụ cho hoạt động kinh doanh, mục đích chính là bán lại để thu hồi vốn và lợi nhuận.

#5 Khoản đầu tư tài chính dài hạn

Khoản đầu tư tài chính dài hạn là các khoản đầu tư của doanh nghiệp vào các tài sản tài chính với mục đích sinh lời trong dài hạn (trên 12 tháng).

Các loại hình đầu tư dài hạn phổ biến bao gồm:

  • Đầu tư chứng khoán dài hạn (Cổ phiếu, Trái phiếu,…)
  • Đầu tư góp vốn liên doanh
  • Đầu tư vào công ty con, công ty liên kết
  • Gửi tiền tiết kiệm dài hạn,…

#6 Khoản phải thu dài hạn

Các khoản phải thu dài hạn là các khoản mà doanh hàng phải thu từ khách hàng, đối tác trong thời hạn trên 12 tháng.

Ví dụ:

Doanh nghiệp cho vay 1 tỷ đồng cho một công ty khác với lãi suất 10%/năm, thời hạn vay là 5 năm.

Lúc này, khoản phải thu dài hạn của doanh nghiệp trong trường hợp này là 1 tỷ đồng.

#7 Tài sản dở dang dài hạn

Tài sản dở dang dài hạn là các khoản chi phí đã được thực hiện cho việc xây dựng cơ bản, sản xuất kinh doanh, nhưng công việc chưa hoàn thành và chưa đưa vào sử dụng tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Theo đó, tài sản dở dang dài hạn là khoản đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án dài hạn, thể hiện chiến lược phát triển và định hướng tương lai của doanh nghiệp.

Vì thế, đây được xem là một yếu tố quan trọng giúp bạn đánh giá tiềm năng tương lai của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Doanh nghiệp A đang xây dựng một nhà máy mới với tổng giá trị hợp đồng là 100 tỷ, dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 tháng nữa. Doanh nghiệp đã thanh toán cho nhà thầu 60 tỷ.

Lúc này, bạn có thể hiểu là tài sản dở dang dài hạn của doanh nghiệp A tại thời điểm hiện tại sẽ là 60 tỷ.

Và trong tương lai, khi doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng nhà máy, công suất sản xuất kinh doanh tăng lên dẫn đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng theo đó mà tăng lên.

Bộ lọc Sắp bàn giao dự án là một công cụ lọc cổ phiếu giúp bạn tìm ra những doanh nghiệp đang có dự án sắp hoàn thành.

Bạn có thể dựa vào bộ lọc này để tìm ra top cổ phiếu tiềm năng trong tương lai.

Trên thực tế, nếu dự án của doanh nghiệp hoàn thành và mang về nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp thì khoản đầu tư của bạn sẽ có khả năng sinh lời.

Tầm quan trọng của tài sản dài hạn trong vận hành doanh nghiệp

Như bạn đã biết, tài sản là toàn bộ tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp, phản ánh khả năng thu được lợi ích trong tương lai của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tài sản dài hạn lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong tài sản của doanh nghiệp.

Vậy nên, nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc vận hành doanh nghiệp.

#1 Phản ánh tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp

Tài sản dài hạn chính là tấm gương phản chiếu tiềm lực kinh tế là thước đo phản ánh quy mô và khả năng phát triển doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp càng có nhiều tài sản có giá trị lớn như nhà xưởng, máy móc,… thường có quy mô hoạt động lớn và khả năng phát triển sẽ vượt trội hơn những doanh nghiệp khác.

Ví dụ:

Bạn đang phân tích 2 doanh nghiệp sản xuất thép là Hòa Phát (Cổ phiếu: HPG) và Hoa Sen (Cổ phiếu: HSG).

Khi nhìn vào giá trị tài sản cố định (hữu hình) của 2 doanh nghiệp trên (Báo cáo tài chính tại ngày 30/06/2023)

Nhìn vào hình trên, bạn sẽ thấy, quy mô doanh nghiệp của Hòa Phát lớn hơn Hoa Sen rất nhiều.

Khi mà Hòa Phát sở hữu giá trị Tài sản cố định hữu hình (nhà máy, máy móc,…) cao hơn Hoa Sen gấp 13 lần.

Và để một doanh nghiệp có thể sở hữu tổng giá trị tài sản cố định lớn như vậy thì khả năng tạo lợi nhuận và khả năng chiếm thị phần phải vượt trội hơn rất nhiều.

Vậy nên, sẽ không quá bất ngờ khi mà HPG là cổ phiếu đứng đầu trong TOP 5 thị phần thép xây dựng.

Ở phần này, bạn có thể hiểu đơn giản, tài sản dài hạn là “cần câu cơm” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có “cần câu cơm” xịn thì doanh nghiệp đó sẽ có:

  • Quy mô hoạt động
  • Năng lực sản xuất
  • Khả năng cạnh tranh

Vượt trội hơn những doanh nghiệp khác.

#2 Ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tài sản dài hạn đóng vai trò chủ chốt trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất,…

Như tôi đã chia sẻ ở phần trước, nó là “cần câu cơm” của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất kinh doanh nếu thiếu tài sản dài hạn.

Ví dụ: thiết bị, máy móc, văn phòng, nhà máy,…

Và…

Nếu doanh nghiệp không đầu tư thêm hoặc không bảo dưỡng cho loại tài sản này một cách hợp lý thì doanh nghiệp sẽ khó phát triển bền vững.

#3 Là cơ sở để đánh giá doanh nghiệp

Là một trong những yếu tố được nhà đầu tư, đối tác,… xem xét khi đánh giá nội tại của một doanh nghiệp.

Bởi vì, khi nhìn vào tài sản dài hạn nhà đầu tư, đối tác,… có thể:

  • Đánh giá tiềm năng kinh tế
  • Đánh giá hiệu quả hoạt động
  • Dự đoán khả năng sinh lời
  • Đánh giá rủi ro tài chính

Quay lại với ví dụ so sánh Hòa Phát với Hoa Sen, bạn thấy rõ trong cả 4 tiêu chí trên thì Hòa Phát đều vượt trội hơn Hoa Sen rất nhiều.

Đọc thêm: Cách đọc báo cáo tài chính nhanh trong 5 phút.

Khó khăn khi đầu tư vào tài sản dài hạn

Mặc dù, đầu tư vào tài sản dài hạn là một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nó thường có giá trị cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn nhiều nguồn vốn lớn để đầu tư.

Thêm vào đó, nó thường có tính khoản thấp, khó chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn.

Vậy nên, nếu các doanh nghiệp không quản trị tốt nguồn vốn thì có thể gặp rủi ro thanh khoản.

Ví dụ:

Doanh nghiệp huy động vốn từ khoản vay có thời hạn là 6 tháng để đầu tư vào 1 dự án có thời hạn là 2 năm.

Lúc này, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro thanh khoản do:

  • Dòng tiền thu về từ dự án chậm hơn so với thời hạn trả nợ vay.
  • Doanh nghiệp có thể không có đủ nguồn tiền để thanh toán khoản vay khi đến hạn.

Tài sản dài hạn giảm nói lên điều gì?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, đây là nguồn lực chính đem lại lợi ích kinh tế của doanh nghiệp trong tương lai.

Do đó, theo lý thuyết, khi giá tài sản dài hạn giảm thì cũng đồng nghĩa với việc lợi ích kinh tế của doanh nghiệp cũng giảm theo.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, giá trị tài sản dài hạn giảm có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải giá trị giảm là tiêu cực.

Ví dụ:

Định kỳ hàng tháng/quý/năm, kế toán viên cần phải trích khấu hao cho các tài sản dài hạn của doanh nghiệp.

Việc trích khấu hao này sẽ làm giảm giá trị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc giá trị tài sản bị giảm từ việc trích khấu hao không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là:

Làm sao để biết lúc nào giá trị tài sản dài hạn giảm là tiêu cực?

Theo quan điểm của tôi, khi doanh nghiệp bán tài sản dài hạn để thanh toán nợ thì mới là tiêu cực.

Vì sao?

Khi doanh nghiệp bán tài sản dài hạn để thanh toán nợ, doanh nghiệp đang gặp vấn đề về tính thanh khoản, doanh nghiệp đang không có đủ nguồn tiền để hoạt động bình thường.

Vậy nên, khi bạn tìm hiểu về một doanh nghiệp nào đó, nếu bạn thấy doanh nghiệp đó đang trong trường hợp trên, bạn cần tìm hiểu rõ:

  • Nguyên nhân tại sao doanh nghiệp bán
  • Doanh nghiệp có đang gặp rủi ro thanh khoản hay không (nếu có thì mức độ có nghiêm trọng hay không)

Tài sản dài hạn tăng nói lên điều gì?

Tài sản dài hạn tăng lên có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy doanh nghiệp đang đầu tư vào tương lai và có kế hoạch phát triển dài hạn.

Ví dụ:

Doanh nghiệp mở rộng nhà máy, mua thêm công cụ, máy móc tốt hơn để tăng năng suất sản xuất.

Tuy nhiên, việc tài sản dài hạn tăng lên cũng có thể là dấu hiệu của việc quản lý vốn không hiệu quả.

Việc đầu tư vào tài sản dài hạn tốn rất nhiều nguồn vốn và chi phí. Do đó, doanh nghiệp đầu tư vào tài sản dài hạn cũng đánh đổi rất nhiều thứ về mặt chi phí cơ hội.

Do vậy, nếu bạn đang nghiên cứu về một doanh nghiệp nào đó và họ đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất thì bạn cần phân tích nguồn vốn của doanh nghiệp.

Bạn cần xem xét:

  • Doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để đầu tư vào tài sản hay không?
  • Doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng tài sản hiệu quả hay không?
  • Doanh nghiệp có đánh giá được chi phí cơ hội của việc đầu tư vào tài sản hay không?

Bằng cách phân tích kỹ lưỡng các yếu tố này, bạn có thể đưa ra đánh giá chính xác về việc đầu tư vào tài sản dài hạn của doanh nghiệp.

Kết luận

Tài sản dài hạn là một cấu phần cực kỳ quan trọng trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Quản lý tài sản dài hạn một cách hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng quy mô và năng lực sản xuất kinh doanh vượt trội.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào tài sản dài hạn cũng đồng nghĩa với việc tiêu tốn nhiều nguồn lực và có thể gặp phải những rủi ro về thanh khoản.

Do đó, quản lý việc sử dụng vốn trong đầu tư hiệu quả là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đọc thêm: Tài sản ngắn hạn và 8 lưu ý nhà đầu tư cần phải nắm rõ

Chia sẻ bài viết

Vân Anh Đào

Vân Anh là một bạn trẻ rất yêu thích và đam mê đầu tư chứng khoán. Bạn đã có kinh nghiệm đầu tư thực chiến gần 3 năm và nền tảng kiến thức tài chính chắc chắn, đặc biệt trong mảng đầu tư thụ động.

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668

Thợ săn cổ phiếu 2.0

Thị trường bùng nổ, cổ phiếu nào sẽ tăng+200% +300%trong năm 2024?