Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Thanh khoản là gì? 2 cách áp dụng để tìm kiếm cơ hội đầu tư

Thanh khoản là gì? 2 cách áp dụng để tìm kiếm cơ hội đầu tư

Tuấn Trần02/06/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Ngày 19 tháng 10 năm 1987, một ngày thứ hai, đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu.

Sự kiện “Black Monday” xảy ra khi hàng loạt các chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới giảm sâu trong cùng một ngày.

Trong sự kiện này, chỉ số Dow Jones Industrial Average của Mỹ giảm tới 22,6%, và các thị trường chứng khoán khác trên toàn thế giới đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

thanh khoản thị trường

Lý do chính là do việc bán tháo đột ngột của các nhà đầu tư lớn, trong đó có các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự suy giảm nghiêm trọng này là vấn đề về thanh khoản.

Bởi lúc đó các nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu của mình nhưng không thể tìm được người mua, khiến cho các cổ phiếu giảm giá đáng kể.

Điều này làm cho các nhà đầu tư lo lắng và bán tháo nhanh hơn để cắt lỗ, tạo ra một vòng lặp giảm giá tiếp tục.

Sau sự kiện này, các quy định về thanh khoản và việc đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã được đưa ra.

Và cho đến tận ngày nay, thanh khoản vẫn được coi là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Thanh khoản là gì?

Tính thanh khoản (liquidity) là một thuật ngữ trong đầu tư chứng khoán thể hiện mức độ linh hoạt của một tài sản, theo đó việc mua bán trên thị trường không làm thay đổi giá trị thị trường của tài sản đó.

Hiểu đơn giản:

Tính thanh khoản thể hiện khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của 1 tài sản

Dưới đây là bảng xếp hạng tính thanh khoản của một số loại tài sản phổ biến:

STT Loại tài sản Mức độ thanh khoản
1 Tiền mặt và các khoản tiền tương đương Rất cao
2 Chứng khoán chính phủ (ví dụ: trái phiếu chính phủ) Cao
3 Cổ phiếu của các công ty lớn Cao
4 Chứng khoán doanh nghiệp tư nhân (ví dụ: trái phiếu doanh nghiệp tư nhân) Trung bình
5 Bất động sản thương mại (ví dụ: nhà kho, văn phòng) Thấp
6 Tài sản cố định (ví dụ: máy móc, thiết bị) Rất thấp

Như bạn thấy ở danh sách trên:

Tiền mặt là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Bởi vì tiền có thể sử dụng để mua bán trao đổi tất cả các loại hàng hoá trên thị trường.

Cổ phiếu và trái phiếu thường có thể được chuyển đổi thành tiền mặt trong khoảng 1-2 ngày (tùy thuộc vào quy mô đầu tư) nên sẽ có tính thanh khoản thấp hơn tiền mặt.

Cuối cùng, các khoản đầu tư như bất động sản, tài sản cố định sẽ có tính thanh khoản thấp, vì chúng sẽ mất nhiều thời gian hơn để chuyển đổi thành tiền mặt (thường là vài tháng hoặc thậm chí vài năm).

Tại sao thanh khoản lại quan trọng?

Thanh khoản là yếu tố quan trọng trong đầu tư bởi vì nó đảm bảo tính linh hoạt trong giao dịch tài sản, giúp bạn có thể mua và bán tài sản một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Một tài sản có tính thanh khoản cao thường được coi là một lựa chọn tốt.

Nó giúp giảm thiểu rủi ro cho bạn, bởi khi thị trường có biến động mạnh hoặc khi bạn cần tiền gấp, bạn có thể bán tài sản đó một cách nhanh chóng để thu tiền về và bảo vệ được khoản đầu tư của mình.

thanh khoản

Ngược lại, nếu một tài sản có tính thanh khoản thấp, việc bán tài sản đó có thể gặp khó khăn hoặc bạn sẽ phải bán với giá thấp hơn rất nhiều nếu không có người đồng ý mua với giá thị trường.

Vì thế, khi đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào, bạn cũng cần phải cân nhắc đến tính thanh khoản của loại tài sản đó.

Thanh khoản cổ phiếu là gì?

Thanh khoản cổ phiếu là khả năng của một cổ phiếu được mua bán trên thị trường chứng khoán một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Một cổ phiếu có thanh khoản tốt có nghĩa là có nhiều người mua, nhiều người bán và có thể được bán ra/mua vào với giá cả hợp lý mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến giá thị trường của cổ phiếu đó.

Ngược lại, một cổ phiếu có thanh khoản thấp sẽ khó để bạn mua/bán với giá hợp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bạn cần bán cổ phiếu đó trong trường hợp thị trường không thuận lợi.

Cách đo lường thanh khoản của một cổ phiếu

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để bạn có thể đo lường thanh khoản của một cổ phiếu.

Tuy nhiên, 2 cách phổ biến nhất là đo lường bằng khối lượng giao dịch trung bình và tỷ lệ free-float.

Khối lượng giao dịch trung bình

Khối lượng giao dịch trung bình (Average Daily Trading Volume – ADTV) là chỉ số cho bạn biết số lượng cổ phiếu được giao dịch trung bình trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một ngày.

Chỉ số này được tính bằng cách chia tổng khối lượng giao dịch cho số ngày giao dịch trong khoảng thời gian.

Các cổ phiếu có ADTV cao hơn thường có tính thanh khoản tốt hơn, cho phép bạn dễ dàng mua bán cổ phiếu với giá hợp lý hơn.

Ví dụ:

Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu VNM là 977,070 cổ phiếu/phiên

Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu VNM
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu VNM (Nguồn: Simplize – Tổng quan VNM)

Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu CAP chỉ khoảng 11,370 cổ phiếu/phiên

Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu CAP
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu CAP (Nguồn: Simplize – Tổng quan CAP)

Thì rõ ràng, cổ phiếu VNM có thanh khoản tốt hơn. Việc bạn mua bán cổ phiếu VNM sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn nhiều.

Tỷ lệ free-float

Tỷ lệ free-float là chỉ số cho bạn biết tỷ lệ số lượng cổ phiếu lưu hành của một công ty được giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán.

Tỷ lệ free-float càng cao thì cổ phiếu càng có thanh khoản tốt, giúp bạn dễ dàng mua bán cổ phiếu và giảm thiểu rủi ro.

Thực tế thì bạn khó có thể tìm được thông tin công khai về tỷ lệ free-float của một cổ phiếu.

Tuy nhiên, từ một lưu ý khi tính tỷ lệ free-float:

Các cổ phiếu được giữ bởi cổ đông lớn, chủ sở hữu, hoặc các tổ chức, nhà đầu tư chiến lược thường không được tính trong free-float.

…chúng ta có thể ước tính được con số phù hợp cho tỷ lệ free-float dựa trên tỷ lệ cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Cơ cấu cổ đông cổ phiếu DHG (của CTCP Dược Hậu Giang) được thể hiện trên Simplize:

cơ cấu cổ đông DHG
Cơ cấu cổ đông của DHG (Nguồn: Simplize – Hồ sơ doanh nghiệp)

Như bạn thấy, số lượng cổ đông thông thường chiếm chưa đến 5%, còn lại là cổ đông chiến lược và các quỹ đầu tư (chiếm trên 95%).

Với phần lớn cổ phiếu được “Tay to” nắm giữ như này, thì khả năng cao thanh khoản cổ phiếu DHG là thấp!!

Thực tế, trong ngày chỉ có khoảng 1,300 cổ phiếu được giao dịch. Giao dịch mua bán cổ phiếu DHG trên thị trường khá ảm đạm.

Chi tiết khớp lệnh của cổ phiếu DHG
Chi tiết khớp lệnh của cổ phiếu DHG ngày 12/4/2023 (Nguồn: Simplize – Tổng quan DHG)

1 ví dụ khác là cổ phiếu HPG (của CTCP Tập đoàn Hòa Phát):

Cơ cấu cổ đông của HPG
Cơ cấu cổ đông của HPG (Nguồn: Simplize – Hồ sơ doanh nghiệp)

Với cơ cấu cổ đông thường chiếm 37.31%, việc bạn mua bán cổ phiếu HPG trên thị trường sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.

Chi tiết khớp lệnh của cổ phiếu HPG ngày 12/4/2023
Chi tiết khớp lệnh của cổ phiếu HPG ngày 12/4/2023 (Nguồn: Simplize – Tổng quan HPG)

Rủi ro thanh khoản khi đầu tư

Rủi ro thanh khoản là khả năng mất mát tài chính do khó khăn trong việc bán cổ phiếu để thu tiền mặt nhanh chóng.

Điều này xảy ra khi không có đủ người mua trên thị trường, dẫn đến việc bạn không thể bán cổ phiếu với giá mình mong muốn hoặc (tệ hơn) không thể bán ra được trong thời gian ngắn.

Khi đó, bạn sẽ chịu tổn thất tài chính do không thể thu hồi vốn đầu tư và phải bán ra với giá thấp hơn nhiều giá trị thực của tài sản đó.

Rủi ro thanh khoản thường xảy ra với những cổ phiếu có thanh khoản thấp và không được giao dịch thường xuyên trên thị trường.

Tôi có một người bạn,

Còn nhớ đầu năm ngoái cậu ta có mua 30,000 cổ phiếu ANT với mức giá 18,000 đồng/CP

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, giá cổ phiếu rớt xuống còn 13,000 đồng/CP.

Cậu ta muốn cắt lỗ cũng không đơn giản, bởi mỗi phiên giao dịch chỉ có khoảng vài ba nghìn đơn vị được khớp lệnh.

rủi ro thanh khoản
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của cổ phiếu ANT chỉ khoảng 4,600 cổ phiếu/phiên (Nguồn: Simplize)

Kết quả là, cậu ta đành “cắn răng” phiên nào cũng kê bán giá sàn để mau chóng thoát khỏi cục tạ này.

Xem rủi ro thanh khoản của cổ phiếu trên Simplize

Bạn có thể lên Simplize để xem nhanh rủi ro thanh khoản của một cổ phiếu bất kỳ.

Bạn chỉ cần vào trang cổ phiếu đó trên Simplize, vào mục Phân tích 360, chọn tab Đánh giá 360 và kéo xuống phần Phân tích rủi ro thị trường.

Ví dụ:

Đánh giá rủi ro thanh khoản của cổ phiếu GAS:

rủi ro thanh khoản cổ phiếu GAS
Cổ phiếu GAS có rủi ro thanh khoản thấp (Nguồn: Simplize)

Đánh giá rủi ro thanh khoản của cổ phiếu CAP:

rủi ro thanh khoản cổ phiếu CAP
Cổ phiếu CAP có rủi ro thanh khoản ở mức cao (Nguồn: Simplize)

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cứ cổ phiếu có thanh khoản thấp là xấu.

Trên thực tế, có nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp nhưng vẫn có tiềm năng tăng giá cao trong tương lai.

Nhưng để đầu tư vào những cổ phiếu này đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận rủi ro thanh khoản cao.

Bên cạnh đó bạn phải có kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, cùng với đó là khả năng đánh giá chính xác về cơ hội đầu tư.

Vấn đề này tôi sẽ phân tích rõ hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.

4 yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản cổ phiếu

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản cổ phiếu, nhưng dưới đây là 4 yếu tố chính:

Quy mô doanh nghiệp

Quy mô doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thanh khoản của một cổ phiếu.

Các doanh nghiệp lớn thường có sức ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, từ đó tăng khả năng giao dịch và thanh khoản của cổ phiếu.

Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ thường có sức ảnh hưởng thấp hơn, do đó thanh khoản của cổ phiếu sẽ thấp hơn.

Ví dụ:

Quy mô của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là rất lớn, với giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 84 nghìn tỷ đồng.

Điều này khiến cho cổ phiếu MBB của ngân hàng này có thanh khoản rất cao, với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần 11 triệu cổ phiếu/phiên.

thanh khoản MBB
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của MBB là gần 11 triệu cổ phiếu/phiên

Trong khi đó, cũng là nhóm ngân hàng, nhưng quy mô vốn hóa của Ngân hàng TMCP An Bình (Mã: ABB) khoảng 8 nghìn tỷ nên có thanh khoản thấp hơn (khoảng 1.4 triệu cổ phiếu/phiên)

thanh khoản ABB
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của ABB hơn 1.4 triệu cổ phiếu/phiên

Số lượng cổ phiếu lưu hành

Số lượng cổ phiếu lưu hành cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của cổ phiếu.

Các cổ phiếu có số lượng cổ phiếu lưu hành ít thường có thanh khoản thấp hơn so với các cổ phiếu có số lượng cổ phiếu lưu hành nhiều.

Ví dụ như cổ phiếu CAP có số lượng cổ phiếu lưu hành rất ít, chỉ khoảng 7.8 triệu cổ phiếu. Điều này khiến cho thanh khoản của CAP thấp hơn so với các cổ phiếu khác.

Mức độ quan tâm của nhà đầu tư

Mức độ quan tâm của nhà đầu tư cũng có ảnh hưởng đến thanh khoản của cổ phiếu.

Khi một cổ phiếu nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhu cầu mua bán cổ phiếu đó sẽ tăng lên, từ đó giúp cải thiện thanh khoản của cổ phiếu đó.

Ngược lại, khi một cổ phiếu không được quan tâm, sẽ dẫn đến thanh khoản giảm, khiến cho việc mua bán trở nên khó khăn hơn.

Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư có thể kể đến như:

  • Tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lớn thường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, điều này góp phần đẩy giá cổ phiếu lên và làm tăng thanh khoản.
  • Tin tức tích cực hoặc tiêu cực: Những thông tin tích cực hoặc tiêu cực về doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư và do đó ảnh hưởng đến thanh khoản cổ phiếu.
  • Sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn: Các quỹ đầu tư lớn, các nhà đầu tư cá nhân có tài khoản lớn thường tìm kiếm các cổ phiếu có thanh khoản cao để đảm bảo tính thanh khoản cho tài sản của mình. Việc các nhà đầu tư lớn quan tâm đến một cổ phiếu sẽ góp phần tăng thanh khoản của nó.

Sự phù hợp với chiến lược đầu tư

Sự phù hợp với chiến lược đầu tư cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thanh khoản của một cổ phiếu.

Ví dụ, nhà đầu tư áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn sẽ có xu hướng tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá trong tương lai và đầu tư lâu dài.

Trong khi đó, một nhà đầu tư áp dụng chiến lược đầu tư ngắn hạn sẽ tìm kiếm cổ phiếu có tiềm năng tăng giá ngay trong thời gian sắp tới.

Khi một cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư của nhà đầu tư, nhu cầu mua bán của nhà đầu tư đó sẽ tăng, từ đó tạo ra thanh khoản tốt cho cổ phiếu.

Ngược lại, nếu một cổ phiếu không phù hợp với chiến lược đầu tư của nhà đầu tư, nó có thể dẫn đến việc bị bán ra nhanh chóng, làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu.

Ví dụ, quay trở lại với cổ phiếu CAP của CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái – mà nếu bạn để ý sẽ thấy tôi có nhắc tới cổ phiếu này khá nhiều trong bài viết.

Một trong những lý do khiến cổ phiếu này có thanh khoản thấp đến như vậy, đó là bởi doanh nghiệp này thường xuyên trả cổ tức rất cao và đều đặn trong nhiều năm…

cổ tức CAP
CAP đều đặn chi trả cổ tức tiền ở mức cao hàng năm (Nguồn: Simplize)

Điều này khiến cho những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu CAP không có nhu cầu bán ra cổ phiếu. Mà sẽ tiếp tục “hold” để nhận “nguồn thu nhập thụ động” này hàng năm.

Họ đa phần là những nhà đầu tư theo chiến lược đầu tư hưởng cổ tức.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng mỗi yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản cổ phiếu không đứng độc lập với nhau. Chúng có thể tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau, tạo ra tính thanh khoản của cổ phiếu.

Bên cạnh đó, việc tăng giảm thanh khoản của một số cổ phiếu lớn có thể ảnh hưởng đến tổng thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Nếu có quá nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh khoản của toàn thị trường.

Ngược lại, một thị trường có nhiều cổ phiếu có thanh khoản tốt sẽ hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và thu hút thêm sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Vì vậy, trong đầu tư, bạn không chỉ nên quan tâm đến thanh khoản của từng cổ phiếu mà còn cần theo dõi tổng thanh khoản của toàn thị trường.

Thanh khoản thị trường chứng khoán là gì?

Thanh khoản thị trường chứng khoán là khả năng của thị trường để giao dịch một lượng lớn các loại tài sản tài chính trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác.

Nó được đánh giá bằng cách tính toán số lượng các giao dịch được thực hiện trong một ngày và giá trị của các giao dịch đó.

Thanh khoản thị trường chứng khoán được coi là một yếu tố quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc mua bán cổ phiếu, tạo động lực cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch và định giá tài sản.

Cách đo lường thanh khoản của thị trường chứng khoán

Có 2 cách phổ biến để đo lường thanh khoản trên thị trường chứng khoán, bao gồm:

Khối lượng giao dịch trung bình

Tương tự cổ phiếu, khối lượng giao dịch trung bình thị trường được tính bằng tổng số lượng cổ phiếu đã giao dịch trung bình mỗi ngày trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một tháng hoặc một quý.

Ví dụ, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam có trung bình 500 triệu cổ phiếu giao dịch mỗi ngày, có nghĩa là trong một tháng, tổng số cổ phiếu đã giao dịch khoảng 10 tỷ cổ phiếu (500 triệu x 20 phiên giao dịch).

Khối lượng giao dịch trung bình càng cao thì cho thấy mức độ hoạt động của thị trường và sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường chứng khoán càng lớn.

Khối lượng giao dịch
Khối lượng giao dịch tăng qua từng năm cho thấy mức độ “hấp dẫn” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc tăng tính thanh khoản của thị trường, giúp cho nhà đầu tư có thể mua bán cổ phiếu dễ dàng và nhanh chóng hơn (Nguồn: Chỉ số VNIndex – Simplize)

Giá trị giao dịch trên thị trường

Giá trị giao dịch chính là tổng toàn bộ số tiền mà bên mua phải thanh toán cho bên bán.

Giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán là tổng giá trị khớp lệnh của toàn bộ cổ phiếu tại một sàn giao dịch chứng khoán, như sàn HOSE hoặc sàn HNX.

Chỉ số này cũng cho bạn thấy được tính thanh khoản của thị trường.

Khi giá trị giao dịch tăng cao thể hiện thanh khoản lên cao, nhà đầu tư hưng phấn và mọi người tin tưởng rằng thị trường sẽ đi lên, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp.

Trung bình trong giai đoạn 2018-2019, giá trị khớp lệnh hàng tháng của sàn HOSE đạt 74,416 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 3/2022, giá trị khớp lệnh trung bình tăng vọt lên 286,229 tỷ đồng/tháng, tức là gấp gần 4 lần.

Ngược lại, khi giá trị giao dịch xuống thấp thể hiện nhà đầu tư kì vọng không tốt về thị trường trong thời gian tới.

Khi đó, việc mua bán cổ phiếu trên thị trường sẽ khó khăn hơn, thanh khoản thị trường sụt giảm.

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể tận dụng thanh khoản để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho riêng mình?

Dưới đây là 2 cách mà bạn có thể áp dụng:

Tips: 2 cách nhà đầu tư cá nhân có thể tận dụng thanh khoản để tìm kiếm cơ hội đầu tư

Cách #1: Đầu tư vào những cổ phiếu có tính thanh khoản cao

Khi đầu tư vào cổ phiếu có thanh khoản tốt, bạn có thể dễ dàng mua và bán cổ phiếu đó mà không cần phải lo ngại về việc không tìm được người mua hoặc buộc bán với giá thấp.

Điều này giúp bạn có thể thực hiện chiến lược đầu tư của mình một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.

Đồng thời, cổ phiếu có thanh khoản tốt thường có sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, điều này giúp tăng khả năng tăng giá của cổ phiếu đó.

Bạn có thể sử dụng bộ lọc cổ phiếu trên Simplize để lọc ra những cổ phiếu có thanh khoản cao trên thị trường.

Lọc cổ phiếu có thanh khoản cao trên thị trường
Lọc cổ phiếu có khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên trên 400 nghìn cổ phiếu trên Simplize (Nguồn: Bộ lọc cổ phiếu Simplize)

Đọc thêm: 4 bộ lọc cổ phiếu chất lượng mà nhà đầu tư nên biết

Lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu có thanh khoản cao

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng đôi khi các cổ phiếu có thanh khoản tốt lại có giá cao hơn so với giá trị thực của nó, điều này có thể dẫn đến rủi ro giảm giá trong đầu tư.

Do đó, trước khi đầu tư, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về cổ phiếu đó để đánh giá tính hợp lý của giá và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Cách #2: Tận dụng các cơ hội đầu tư khi thanh khoản bất thường

Với cách làm này, bạn cần quan sát sự biến động của giá cổ phiếu và thanh khoản để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Dưới đây là 1 số trường hợp cụ thể:

#Trường hợp 1: Khi giá cổ phiếu và thanh khoản đều tăng

Đây là dấu hiệu tích cực cho biết cổ phiếu có sức mua lớn và nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch.

Đây là thời điểm tốt để bạn mua vào cổ phiếu.

Như cổ phiếu HPG giai đoạn 2020 – đầu 2021:

giá tăng, thanh khoản tăng
Chart phân tích kỹ thuật (khung thời gian: tháng) cổ phiếu HPG (Nguồn: Simplize)

Khi đó giá cổ phiếu đi ngang với khối lượng giao dịch khá thấp và ổn định (trung bình khoảng 10 triệu cổ phiếu/phiên) trong gần 1 năm (từ tháng 9.2022 đến tháng 6.2021)

Sau đó giá cổ phiếu bắt đầu tăng, đi kèm với đó là thanh khoản tăng mạnh (trung bình 20 -> 30 triệu cổ phiếu/phiên).

Thời điểm đó, thậm chí nếu bạn có “vào lệnh chậm một chút” thì bạn vẫn có lãi với cổ phiếu HPG.

#Trường hợp 2: Giá cổ phiếu tăng, thanh khoản giảm

Ngược lại ở trên, nếu giá cổ phiếu tăng nhưng thanh khoản lại kém, bạn nên cẩn trọng vì có thể sẽ rơi vào bẫy tăng giá. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bạn không thể bán cổ phiếu ra khi cần thiết hoặc phải bán ra ở mức giá thấp hơn.

Đến đầu quý 3.2021, mặc dù giá cổ phiếu HPG vẫn tăng nhưng thanh khoản đã bắt đầu chững lại.

Thời điểm này thay vì tiếp tục mua cổ phiếu, thì bạn nên cân nhắc chốt dần số lượng cổ phiếu đang nắm giữ.

#Trường hợp 3: Giá cổ phiếu giảm, thanh khoản tăng

Khi giá cổ phiếu giảm kèm theo thanh khoản tăng lại, đây là tín hiệu xấu cho thị trường, vì lực bán cao và nhiều nhà đầu tư xả hàng.

giá giảm, thanh khoản tăng

#Trường hợp 4: Giá cổ phiếu giảm, thanh khoản giảm

Nếu giá cổ phiếu giảm và thanh khoản cũng giảm thì đây là tín hiệu tích cực. Bạn có thể mua vào cổ phiếu với giá thấp và chờ đợi thị trường hồi phục để bán ra cổ phiếu với giá cao hơn.

giá giảm, thanh khoản giảm
Nếu bạn không kịp bán cổ phiếu HPG hồi cuối năm 2021, thì có thể tận dụng nhịp hồi phục (tầm tháng 2.2022) để bán được giá tốt hơn

#Trường hợp 5 (đặc biệt): Giá cổ phiếu đã giảm một thời gian, thanh khoản giảm dần nhưng sau đó bất ngờ tăng mạnh

Trường hợp giá cổ phiếu đã giảm một thời gian, thanh khoản giảm dần nhưng sau đó bất ngờ tăng mạnh thì đây là tín hiệu tích cực đối với nhà đầu tư. Điều này cho thấy cung cổ phiếu (bên bán) dần cạn, có thể hình thành đáy.

thanh khoản CSV
Ngày 13/4/2022, khối lượng giao dịch cổ phiếu CSV tăng đột biến sau khoảng thời gian giá cổ phiếu lẫn thanh khoản cổ phiếu giảm. Tín hiệu tích cực (Nguồn: PTKT Simplize)

Thời điểm này, bạn có thể nhảy vào bắt đáy để kiếm lợi nhuận.

Kết luận

Như vậy thanh khoản là yếu tố rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán, không chỉ đối với từng cổ phiếu mà còn cả thị trường chứng khoán.

Thanh khoản tốt mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, như tạo ra cơ hội đầu tư và giúp chúng ta tối ưu hóa các chiến lược đầu tư.

Để đánh giá được tính thanh khoản của một cổ phiếu, bạn cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố như quy mô doanh nghiệp, số lượng cổ phiếu lưu hành, sự quan tâm của nhà đầu tư khác hay sự phù hợp với chiến lược đầu tư của mình.

Ngoài ra, việc tận dụng thanh khoản để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng là một phương pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, để đạt được lợi ích đó, bạn cần phải nắm vững kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, đồng thời cẩn trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.

Bạn cũng có thể tham khảo các khóa học trên Simplize để nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư chứng khoán của mình nhé.

Chia sẻ bài viết

Tuấn Trần

Tuấn Trần là 1 trong những chuyên gia hàng đầu về đầu tư giá trị tại Việt Nam. Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích đầu tư, quản lý quỹ trước khi gia nhập Simplize. Danh mục Quỹ Income do anh Tuấn Trần quản lý có lợi nhuận bình quân +18%/năm và vượt trội hơn chỉ số VN-Index hơn 41% kể từ khi thành lập. Cổ phiếu của anh Tuấn Trần phân tích tập trung vào những nhóm ngành "khó" như ngân hàng, dầu khí, năng lượng, bán lẻ... Theo anh, đầu tư giá trị là con đường duy nhất mà nhà đầu tư cá nhân có thể chiến thắng trên thị trường chứng khoán

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668

undefined

Thợ săn cổ phiếu 2.0

Thị trường bùng nổ, cổ phiếu nào sẽ tăng+200% +300%trong năm 2024?