Khánh Phan, FRM
Mục lục
Vietnam Airlines – Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – là một trong những hãng hàng không hàng đầu ở Đông Nam Á trong nhiều năm qua. Với mạng lưới đường bay nội địa và quốc tế rộng khắp, hãng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, cũng như nhiều hãng hàng không khác, Vietnam Airlines cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do đại dịch COVID-19.
Doanh thu và số lượng hành khách giảm mạnh, buộc Vietnam Airlines phải cắt giảm các tuyến và giảm lực lượng lao động để tồn tại.
Giá cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Mã: HVN) vì thế cũng sụt giảm đáng kể trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, năm 2022 đã đánh dấu thời điểm bắt đầu kết thúc đại dịch COVID-19 đối với hầu hết các nơi trên thế giới.
Như Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố vào hồi tháng 9, “đại dịch đã ở phía sau chúng ta”, phản ánh quan điểm đang thay đổi của người Mỹ.
Hay người láng giềng Trung Quốc cũng đã chuyển trọng tâm từ kiểm soát lây nhiễm sang điều trị y tế, đảm bảo mở lại an toàn. Từ ngày 8 tháng 1 năm 2023, Trung Quốc đã mở lại biên giới, chấm dứt các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế và không còn yêu cầu kiểm dịch sau khi nhập cảnh.
Khi bầu trời dần rộng mở trên toàn thế giới, ngành hàng không sẵn sàng quay trở lại trạng thái trước đại dịch và tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng trong thời kỳ hậu COVID. Các dự báo dài hạn cũng cho thấy ngành hàng không sẽ có một thập kỷ tăng trưởng sau COVID.
Do đó, nếu bạn đang muốn tận dụng sự phục hồi của ngành hàng không để tìm cho mình một khoản đầu tư tiềm năng trong trung và dài hạn…
…thì theo tôi, cổ phiếu HVN có thể là một ý tưởng không tồi.
Sau ba năm đại dịch, năm 2022, Việt Nam tiếp tục là một trong những nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh hàng đầu thế giới. Thậm chí, Việt Nam còn đứng số một về mức hồi phục theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) hồi giữa năm.
Điều này đã giúp cho Vietnam Airlines ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo báo cáo tài chính 2022 công bố, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần hơn 70,500 tỷ đồng. Con số này lớn hơn cả hai năm 2020 và 2021 cộng lại, và tương đương 70% mức trước dịch (là năm 2019).
Trong đó, doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không đạt gần 51,465 tỷ đồng, tăng trưởng 179.63% so với năm 2021.
Theo đó, trong năm vừa qua, Vietnam Airline Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã thực hiện 140,638 chuyến bay, vận chuyển hơn 20.6 triệu lượt khách (tương đương 84.0% và 90% so với năm 2019).
Lưu ý, Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ đứng sau thị trường Hàn Quốc) với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.
Như vậy:
Thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn, sản lượng năm 2022 vượt cả năm 2019 (năm đỉnh cao trước đại dịch)…
…nhưng thị trường quốc tế phục hồi khá chậm.
Thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc
Cho cả năm 2022, Lỗ gộp của HVN được cải thiện và giảm hơn 3.8 lần so với 2021.
Một tín hiệu tích cực khác, đó là dòng tiền hoạt động của HVN dương trở lại trong năm 2022…
Bởi dòng tiền là điều cần thiết để các hãng hàng không trang trải chi phí hoạt động, trả nợ và đầu tư vào máy bay và công nghệ mới.
Điều quan trọng nhất để vực dậy Ngành hàng không là phải có dòng tiền về thanh khoản
Bằng cách kiểm soát tốt dòng tiền, Vietnam Airlines sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023 và hơn thế nữa.
Bên cạnh việc cải thiện khả năng thanh khoản, Vietnam Airlines cũng thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí để ứng phó với thách thức của dịch bệnh. Điều này bao gồm việc giảm quy mô đội tàu, cắt giảm lương và thưởng của nhân viên và giảm các chi phí hoạt động khác. Nhờ đó, chi phí hoạt động của công ty giảm 21% so với năm trước. Những biện pháp này đã giúp Vietnam Airlines giảm thiểu thiệt hại và duy trì tình hình tài chính ổn định hơn trong mùa dịch.
Ngoài ra, hãng cũng đã chủ động tìm kiếm các nguồn doanh thu mới, chẳng hạn như vận chuyển hàng hóa và thuê chuyến, để bù đắp cho sự sụt giảm lưu lượng hành khách.
Hãng đã sử dụng thành công đội bay của mình cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa, vốn đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời kỳ đại dịch.
Vietnam Airlines cũng đã liên kết với các hãng hàng không khác để khai thác các chuyến bay thuê chuyến đưa công dân hồi hương, đáp ứng nhu cầu đi công tác, du lịch nghỉ dưỡng.
Nhìn chung, Vietnam Airlines đã thực hiện một số bước quan trọng để vượt qua đại dịch và duy trì hoạt động.
Mặc dù công ty vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong những năm tới, nhưng khả năng thích ứng và đổi mới trong cuộc khủng hoảng này cho thấy rằng công ty có tiềm năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ đạt lợi nhuận 4.7 tỉ đô la vào năm 2023. Dù con số đó chưa là gì so với năm 2019, nhưng các chỉ số tài chính quan trọng cho thấy ngành này đang trên đà tăng trưởng trở lại…
Còn theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 dự kiến đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1.4 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45.4% và 15% so với năm 2022. So với trước dịch (năm 2019), thị trường năm 2023 tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14.8% về hàng hóa, trong đó:
Triển vọng năm 2024, tổng thị trường vận tải hàng không sẽ phục hồi mức trước đại dịch và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thu được lợi nhuận đáng kể.
Theo kế hoạch và dự báo của Vietnam Airlines, hãng dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác các đường bay quốc tế trong năm 2023.
Việc các đường bay quốc tế dần được khôi phục trong năm 2022 là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của hãng và dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Cụ thể trong năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đường bay đến 14 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia.
Đồng thời nâng dần số đường bay quốc tế lên con số 39, tương đương 60% so với năm 2019.
Đến tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) hướng tới khôi phục tần suất về bằng với năm 2019
Dự kiến đến hết năm 2023, HVN sẽ khôi phục toàn bộ mạng đường bay quốc tế về bằng với năm 2019.
Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.
Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau 3 năm đóng cửa do dịch COVID-19, và mang đến những cơ hội tốt để thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch đang gặp khó khăn tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Từ đầu tháng 12, Trung Quốc cũng đã cho phép các hãng hàng không Việt Nam khai thác các đường bay thường lệ đến/đi với tần suất 15 chuyến/tuần, thay vì 2 chuyến/tuần như trước đây.
Cần nhớ rằng, lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc đại lục này mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Dù dự báo giai đoạn đầu mở lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khách chưa nhiều, Vietnam Airlines vẫn đặt kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ bằng khoảng 80% năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Còn theo ước tính của VnDirect, lượng khách quốc tế đi/đến của thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục về mức 20%/40%/60%/80% so với trước đại dịch trong Q1/Q2/Q3/Q4 của năm 2023. Tức là thời điểm lượng khách quốc tế Trung Quốc phục hồi mạnh sẽ rơi vào thời điểm Q2 và Q3 của năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng phục hồi thì vẫn còn những khó khăn mà doanh nghiệp phải theo dõi cẩn thận…
Giá nhiên liệu là một chi phí đáng kể đối với các hãng hàng không và bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng bay.
Mặc dù giá dầu thô có giảm trong những tháng gần đây, Vietnam Airlines vẫn có thể phải đối mặt với chi phí nhiên liệu cao hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng.
Như hồi năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD một thùng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD một thùng.
Khiến cho giá vốn hàng bán 2022 của HVN đạt hơn 73,200 tỷ đồng.
Để giảm thiểu tác động từ giá nhiên liệu tăng cao, Vietnam Airlines đã phải chuyển toàn bộ phần tăng giá nhiên liệu sang cho khách hàng trong năm 2022.
Nhờ đó, lỗ gộp được cải thiện và giảm hơn 3.8 lần so với 2021.
Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp này chỉ có thể triển khai ở mức độ nhất định, bởi nếu tiếp tục nâng giá vé quá cao thì sẽ có tác động ngược lại, tức làm giảm nhu cầu đi lại.
Bên cạnh yếu tố nhiên liệu, việc lãi suất tăng, USD tăng giá cũng làm hoạt động của các hãng bay thêm khó khăn.
Bởi theo lãnh đạo Vietnam Airlines, phần lớn hợp đồng thuê bay đều được trả bằng USD, trong khi các đồng tiền bản địa ở các nước hãng đang có đường bay đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… lại bị mất giá mạnh.
Đến 31/12, theo báo cáo tài chính, Vietnam Airlines lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 2,247 tỷ, gấp đôi so với chi phí lãi vay. Năm 2021, khoản mục này của hãng chỉ lỗ khoảng 173 tỷ đồng.
Mặc dù hiện tại HVN vẫn đang lỗ và ước tính phải đến 2024 thì Tổng công ty mới ghi nhận lợi nhuận dương trở lại…
Chưa kể, rủi ro mất vốn của HVN đang rất cao…
Nhưng xét trên khả năng hồi phục cùng với nhiều tín hiệu tích cực đến từ doanh thu, tôi cho rằng “timing” giải ngân cổ phiếu HVN là từ giờ đến tháng 6 (trước khi công bố BCTC quý 2) và ở những thời điểm rủi ro thị trường giảm dần – thời điểm đẹp nhất.
Với khoản lỗ lũy kế gần 34,200 tỷ đồng trong 3 năm qua, vốn chủ sở hữu của HVN đã chuyển sang âm 10,199 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Do đó, HVN nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết và chuyển sang sàn UPCOM trong nửa cuối năm 2023, sau khi BCTC kiểm toán được công bố trong Q1/2023.
Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng điều này cũng không quá đáng ngại, vì HVN là công ty đại chúng, hủy niêm yết về giao dịch ở UPCOM vẫn có thể chấp nhận được. Thậm chí giá cổ phiếu nếu vì thông tin đó mà giảm mạnh, còn là cơ hội để mua vào.
Trong trung hạn và dài hạn, doanh thu và lợi nhuận của HVN sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại nhờ việc mở rộng đường bay quốc tế và tăng trưởng từ các hoạt động phụ trợ (từ các công ty thành viên).
Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, thậm chí là cao hơn tốc độ trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện tại, tỷ lệ dân số đi lại bằng đường hàng không ở Việt Nam về cơ bản thấp hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực ASEAN (71.2% vào năm 2019 so với con số trung bình là 81.6%), cho thấy mức độ thâm nhập du lịch hàng không và tiềm năng của Việt Nam chưa được khai thác.
Cùng với đó, hạ tầng hàng không đang dần hoàn thiện, đặc biệt là xây dựng sân bay Long Thành sẽ giúp HVN có dư địa để phát triển đội bay của mình.
Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize