Khánh Phan, FRM
Mục lục
Với vai trò là xương sống, là nguồn bơm vốn chính của nền kinh tế, ngành ngân hàng được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 14 – 15%, tạo cơ hội cho các ngân hàng mở rộng danh mục cho vay và tăng khả năng sinh lời.
Không chỉ vậy, xét về mặt định giá, tỷ lệ P/B bình quân ngành chỉ khoảng 0.93 – được xem là mức định giá “siêu hấp dẫn” của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng được dự báo cũng phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm tác động tiềm ẩn của biến động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản vì thế để lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Theo tôi, bạn nên ưu tiên cổ phiếu của các ngân hàng có hiệu quả hoạt động, vị thế vốn vững chắc và quản trị rủi ro tốt, ít hoặc không dính líu đến hoạt động cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Một trong những ngân hàng bạn có thể xem xét đó là Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB) – ngân hàng đã cho thấy kết quả kinh doanh đầy hứa hẹn trong những năm gần đây.
Kỳ vọng sang năm 2023, MB Bank sẽ tiếp tục duy trì được vị thế để đi theo quỹ đạo tăng trưởng của mình, nhờ vị thế nguồn vốn mạnh, danh mục cho vay đa dạng và nền tảng ngân hàng điện tử mạnh mẽ.
MB đã công bố báo cáo tài chính Quý 4.2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22,729 tỷ đồng (+37.53% yoy).
Doanh thu thuần năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng 23.44%, từ 36,934 tỷ lên gần 45,593 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2022 đạt 728,500 tỷ đồng (+20% yoy).
Quy mô tín dụng của ngân hàng tăng trưởng cao ở mức 25% so với năm 2021.
Biên lãi ròng (NIM) của MB tiếp tục được cải thiện, đạt 5.67% (tăng 0.64% so với năm 2021) nhờ duy trì quy mô tài sản sinh lời tốt, tập trung vào phân khúc bán lẻ và tài chính tiêu dùng.
Mức NIM này cao hơn khá nhiều so với mức trung bình ngành (3.99%) và xếp thứ 2 trong số tất cả các ngân hàng tại Việt Nam hiện tại (dẫn đầu là VPBank với NIM 7.5%).
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ xấu nội bảng của MBBank tăng hơn 52% so với hồi đầu năm, đạt mức 5.031 tỷ đồng.
Trong đó:
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay đạt 1.09% (tăng từ mức 0.9% hồi đầu năm).
Nhưng nếu so với các ngân hàng khác, tỷ lệ nợ xấu của MB vẫn nằm trong nhóm có nợ xấu ở mức thấp.
Đi tìm hiểu chi tiết, ta thấy được hơn 70% cho vay khách hàng của MBBank tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực:
Tôi đánh giá vấn đề nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ không phải là gánh nặng đối với MB Bank trong giai đoạn tới.
Bởi tính đến Q4.2022, tỷ lệ trích lập dự phòng cho nợ xấu của MB đạt 238.03% (rất cao, thậm chí bao phủ cả phần nợ nhóm 2). Là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng/nợ xấu đứng thứ 2 trong ngành – chỉ sau VCB (317.36%).
Và mặc dù đã trích lập nhiều như vậy, nhưng lợi nhuận của MB vẫn tăng trưởng rất tốt.
Có thể xem 2022 là một năm rất thành công của MB về chuyển đổi số.
Cụ thể, ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số.
Đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khách hàng trên 2 nền tảng App MBBank và BIZ MBBank, theo đó, lũy kế thu hút gần 20 triệu khách hàng, tăng 54% so với 2021.
Tỷ trọng giao dịch được thực hiện qua kênh số duy trì ở mức cao, đạt 95%.
Thậm chí vượt qua Big 4 để trở thành ngân hàng có tỷ lệ sử dụng Mobile Banking nhiều nhất (29%).
Theo tôi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngân hàng giữ được tỷ lệ CASA ở mức cao trước bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao khiến số dư tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng ở phần lớn các ngân hàng có chiều hướng suy giảm trong năm 2022.
Trong một bài viết, CEO của MB ông Lưu Trung Thái đã những chia sẻ rất rõ ràng và thẳng thắn về triển vọng nền kinh tế trong năm 2023.
Theo ông năm 2023 vẫn sẽ là một năm khó khăn…
Khó khăn lớn nhất của năm 2023 là khó khăn của toàn thế giới. Sự suy giảm về cầu tác động đến xuất khẩu, dẫn đến việc FDI của Việt Nam có thể bị giảm sút.
Thứ hai là động lực đầu tư trong nước, bắt nguồn từ khối doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư trong nước, cầu tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ dẫn đến cầu đầu tư vào tài chính bị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không được “hăng hái” như năm ngoái.
Do đó, năm 2023 của ngành ngân hàng sẽ không hề dễ dàng. Cùng với đó, áp lực lạm phát khả năng sẽ cao hơn năm ngoái do ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất.
Mặc dù vậy, ông vẫn tỏ ra lạc quan, coi năm 2023 là cơ hội để chuyển đổi số và Ngân Hàng Quân Đội tiếp tục đầu tư theo hướng này để trở thành một doanh nghiệp số thực thụ. Từ đó giúp MB tiết giảm chi phí hoạt động, gia tăng hiệu quả và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, việc MB nhận cơ cấu một tổ chức tín dụng (cụ thể là OceanBank) có thể khiến cho chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lợi của MB bị ảnh hưởng do chi phí trích lập dự phòng đi kèm gia tăng, buộc ngân hàng này sẽ phải có những giải pháp, hướng đi cẩn trọng hơn.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ phía ngân hàng, về dài hạn MB sẽ có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1.5 – 2 lần, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới, gia tăng lợi ích cổ đông.
Về mặt định giá, MB đang được giao dịch ở mức P/E ~4.7 và P/B ~1.03, trong khi tỷ suất lợi nhuận ROE được duy trì trên 20%.
Đây là một mức định giá quá rẻ khi so sánh tại thị trường Việt Nam và trong khu vực.
Từ đó, Simplize định giá hợp lý MBBank ở mức 35,300 vnđ/cp.
Bên cạnh đó, 1 năm qua, cùng với sự điều chỉnh của thị trường chung, giá cổ phiếu MB cũng đã sụt giảm đáng kể hơn 30%, giúp cổ phiếu có sức bật hồi phục rất cao.
Tóm lại, là ngân hàng hàng đầu, chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động tốt, có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, tôi tin Ngân Hàng Quân Đội xứng đáng là một khoản đầu tư tiềm năng trong năm 2023.
Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize