Khánh Phan, FRM
Mục lục
Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (Mã cổ phiếu: PVT) là doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất trong mảng vận tải biển cho ngành dầu khí.
Với chiến lược “trẻ hóa” đội tàu, PVT đã và đang đầu tư vào việc mua sắm và nâng cấp các tàu vận tải dầu khí hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh…
…bên cạnh đó là đón đầu nhu cầu vận chuyển LNG đầy tiềm năng trong thời gian tới, mở ra cơ hội lớn cho PVT trên thị trường vận tải dầu khí.
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam ngày càng gia tăng, và đã vượt trên mức sản lượng nội địa có thể tạo ra và đang thiếu hụt cần được bù đắp thông qua đường nhập khẩu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, cũng như dự báo trước được sự thiếu hụt nguồn khí tại Nam Bộ trong tương lai, Việt Nam đang gấp rút thực hiện hàng loạt các dự án LNG lớn.
Cụ thể, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là “khí LNG”) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Theo đó kế hoạch đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG có tổng công suất 22.400MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Việc xác định địa điểm xây dựng các nhà máy này căn cứ theo nhu cầu, cân đối nội vùng ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực phía Nam.
Mặt khác, trong Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng từ 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021 – 2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026 – 2035.
Như vậy, có thể thấy rõ nhu cầu lớn cho việc vận chuyển LNG trong tương lai.
Với vị thế đầu ngành và kinh nghiệm vận tải các sản phẩm dầu khí và đặc biệt là mối quan hệ lâu năm với GAS (làm đối tác vận tải LPG cho GAS) PVT khả năng cao sẽ vận tải LNG cho GAS.
Điều này sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của PVT trong năm 2023 và các năm sau đó, tạo động lực tăng trưởng dài hạn.
* PVT sở hữu lợi thế tuyệt đối trên thị trường vận tải hàng lỏng nội địa bằng đường biển. Hiện tại doanh nghiệp đang nắm 100% thị phần vận tải LPG, 30% thị phần vận tải dầu sản phẩm cả nước.
Hiện doanh nghiệp đang sở hữu hơn 4,428 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng (chiếm ~31.2% TTS) và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh duy trì trung bình trên 1,500 tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình kinh doanh không bị chiếm dụng vốn và chi phí khấu hao chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí.
Điều này sẽ giúp PVT tích lũy được nguồn tài chính lớn, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vay thương mại trong quá trình đầu tư đội tàu của PVT.
Trong 3 năm qua, PVT đã tích cực thực hiện chiến lược ‘trẻ hóa’ đội tàu của mình qua việc thanh lý các tàu cũ không còn khả năng khai thác và đầu tư các tàu mới với hiệu năng tốt hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia các tuyến vận tải quốc tế.
Tính tới thời điểm cuối 2022, PVT đã mua mới thành công 16 tàu (trong đó có 10 tàu vận tải xăng dầu thành phẩm – hóa chất, 2 tàu vận tải LPG và 3 tàu vận tải hàng rời) với giá trị giải ngân tương đương 3.900 tỷ.
Việc này đã giúp công ty hoàn thành 53% kế hoạch đầu tư đầy tham vọng mà công ty đặt ra từ năm 2021, là sẽ đạt 50 tàu vào năm 2025.
Theo đánh giá của giới phân tích, chiến lược này cũng giúp PVT hưởng lợi từ việc giá cước tàu chở dầu/nhiên liệu tăng cao trên toàn thế giới sau cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine khi phần lớn các tàu mới (chủ yếu là tàu vận tải xăng dầu thành phẩm, hóa chất) đã kịp thời ký kết hợp đồng cho thuê trên nền giá cao.
Ngoài ra, PVT cũng mở rộng đội tàu thông qua hình thức thuê mua trả góp (Bareboat Hire Purchase – BBHP) nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro lãi vay, tỷ giá.
Về mặt định giá, PVT đang được giao dịch với mức P/E khoảng 8.83…
…và định giá EV/EBITDA khoảng 3.40. Tương đương mức median 5 năm gần nhất.
Simplize định giá PVT ở mức 34k, tương đương biên an toàn 30%.
Tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực cho triển vọng dài hạn của PVT, được dẫn dắt bởi nhu cầu gia tăng từ các hợp đồng vận chuyển hóa chất/LPG mới trong thời gian tới. Và xa hơn nữa là thị trường LNG nhập khẩu.
Trên thị trường, giá cổ phiếu cũng đã tăng hơn 11.5% trong 1 tháng qua, trước thông tin ước tính kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới của PVT sẽ tích cực (so với cùng kỳ).
Xu hướng dòng tiền trung và dài hạn của PVT cũng đã/đang đi vào trạng thái “Tích lũy”, giai đoạn tôi cho rằng phù hợp để chúng ta tích lũy cổ phiếu.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Tất cả dữ liệu và bài viết trên Simplize chỉ mang tính chất tham khảo và không có tính chất định hướng, phân tích, khuyến nghị mua bán cổ phiếu hay bất kỳ tài sản nào được nhắc đến. Bạn chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc sử dụng thông tin trên Simplize trong các quyết định của mình. Simplize miễn trừ mọi trách nhiệm có liên quan. Xem chi tiết điều khoản sử dụng ở đây.
Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize