Mục lục
VN-Index bật tăng trong tuần đầu giao dịch tháng 12 [28.11 – 02.12]…
Thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực khi có dòng tiền của khối ngoại bắt đáy.
Theo thống kê khối ngoại đã mua dòng tới 9,358 tỷ trong tuần.
Điều này cho thấy mức độ hấp dẫn về mặt định giá và tiềm năng của các doanh nghiệp trong dài hạn…
…như Simplize đã khẳng định nhiều lần từ Góc nhìn những tuần trước.
Qua đó đã giúp VN-Index tăng tới 108 điểm (~11%) và kết thúc tuần ở mốc 1,080 điểm.
Tất cả các ngành đều bật tăng mạnh, trong đó phải kể tới những ngành đã giảm mạnh từ đầu năm như:
Trong đó đặc biệt phải kể tới cổ phiếu quốc dân HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã tăng tới 27% trong 5 ngày gần nhất.
Sáng 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2022.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết:
Các cơ quan chức năng đã thực hiện biện pháp chấn chỉnh một số thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn… để các thị trường hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững, song cũng tác động đến các thị trường này.
Tình hình, kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2022 nhờ đó đã đạt kết quả rất cơ bản, tích cực, đáng mừng trong điều kiện khó khăn.
Đối với hoạt động của một số thị trường (thị trường vốn, bất động sản) Thủ tướng yêu cầu:
Cùng với đó, cần tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác;
Tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết.
“Chúng ta theo kinh tế thị trường thì tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh nhưng khi tình hình không bình thường thì phải phân tích nguyên nhân và có công cụ can thiệp kịp thời, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc mà trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc”, Thủ tướng lưu ý.
🧐 Góc nhìn Simplize:
Có vẻ như chúng ta đang ở Vùng đáy khi phần lớn những ảnh hưởng từ chính sách đã tác động tới thị trường chứng khoán (phản ánh nhanh nhất trong thị trường vốn).
Sẽ cần một khoảng thời gian tương đối dài khi giải pháp được ban hành và sức ép về mặt tỷ giá, lãi suất trên phạm vi toàn cầu hạ nhiệt…
Do đó Simplize khuyên bạn nên hạn chế giao dịch, mạnh dạn tích lũy những cổ phiếu tốt ở mức định giá rẻ và không nên FOMO.
********
Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đạt 47.4 điểm.
Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng giảm, trong khi niềm tin kinh doanh cũng giảm mạnh.
S&P Global vừa công bố báo cáo cho biết PMI ngành sản xuất của Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng.
Với kết quả 47.4 điểm so với 50.6 điểm của tháng 10, chỉ số kỳ này cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh trong tháng.
“Các điều kiện kinh tế thế giới xấu đi đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đã giảm trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh cũng giảm mạnh.
Đồng tiền giảm giá cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong tháng khiến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn một chút. Trong khi đó, giá cả đầu ra đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020″, báo cáo cho biết.
Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm lần đầu tiên trong 14 tháng vào giữa quý cuối của năm, chủ yếu phản ánh nhu cầu trên thị trường quốc tế đang yếu đi.
Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các nhà sản xuất Việt Nam cũng giảm sản lượng, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3.
Tốc độ giảm là mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 9/2021.
Cũng giống như xu hướng của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng được ghi nhận tiếp tục giảm trong tháng 11.
Việc làm giảm lần đầu tiên trong 8 tháng.
Ngoài việc phản ánh mức sụt giảm của số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng nhân viên giảm cũng phản ánh nỗ lực giảm chi phí ở một số công ty.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm đã kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng và khiến tồn kho hàng mua giảm lần thứ hai liên tiếp. Hàng tồn kho sau sản xuất cũng giảm.
Báo cáo cho biết nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giúp một số nhà cung cấp tăng tốc độ giao hàng trong tháng 11.
Tuy nhiên, tình trạng này bị lấn át bởi tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và nhiên liệu.
Kết quả là, thời gian giao hàng đã bị kéo dài thêm lần đầu tiên trong 4 tháng.
Mặc dù chi phí đầu vào tăng với một tốc độ tương đối chậm trong kỳ khảo sát này, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn thành mức cao của 4 tháng.
Các thành viên nhóm khảo sát cho biết đồng tiền giảm giá so với USD là một nhân tố chính dẫn đến tăng giá cả đầu vào. Trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 11, áp lực lạm phát vẫn ở mức nhẹ giúp các nhà sản xuất có thể giảm giá để kích thích nhu cầu.
Giá bán hàng đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.
Niềm tin kinh doanh giảm mạnh do số lượng đơn đặt hàng mới giảm và những lo ngại về nhu cầu trên thị trường quốc tế. Tâm lý kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng.
Hy vọng nhu cầu sẽ phục hồi trong năm tới giúp một số công ty vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới.
Chỉ số quản trị mua hàng thường là tín hiệu báo hiệu trước cho tăng trưởng xuất nhập khẩu và sức khỏe của nền sản xuất, theo đó khả năng Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong 2023 là rất cao.
Tuy nhiên phần lớn nguyên nhân đến từ tác động khách quan từ tình hình thế giới, đó là điều không tránh khỏi và chúng ta buộc phải chấp nhận việc này.
Nếu bạn không gặp sức ép về chi vốn, có khả năng giữ cổ phiếu trong dài hạn thì có thể tham khảo thêm ý kiến của ông Yang Yining – nhà quản lý quỹ Fubon FTSE Vietnam Index:
“Thị trường Việt Nam giờ trông như Đài Loan của thập niên 80. Với việc đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ đà phát triển kinh tế của đất nước hình chữ S.”
Vietnam ETF cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9/2022 chủ yếu tới từ áp lực “call-margin” tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cộng thêm bối cảnh lãi suất điều hành tăng mạnh.
Dù vậy, sau những động thái quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường, quỹ Fubon tự tin thị trường chứng khoán sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng hợp lý.
Fubon ETF đánh giá VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực.
Định giá P/E cũng đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn. Đặc biệt, Fubon ETF nhấn mạnh thời điểm hiện tại cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn vô cùng tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
********
Phát biểu tại Toạ đàm “Chọn danh mục: Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 2/12…
Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, đà tăng lãi suất của Fed có thể hạ nhiệt xuống mức 0.5 điểm % chứ không phải 0.75 điểm % như các lần trước nữa.
Chúng ta đều thấy lạm phát của Mỹ đã giảm, nếu tính trong năm 2023 thì khoảng tháng 6, tháng 7 lạm phát của Mỹ sẽ giảm tương đối mạnh; tuy không thể về mức 2% nhưng cũng sẽ thấp hơn đáng kể so với giai đoạn hiện tại.
Thông thường lạm phát được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so sánh với cùng kỳ năm trước nên phải đến tháng 6, tháng 7 năm sau, xu hướng giảm của lạm phát mới thể hiện rõ khi so với cùng kỳ năm nay, giá năng lượng ở mức khá cao đến cuối năm nay đã giảm tương đối.
Ông Duy Anh kỳ vọng đỉnh lãi suất của Fed sẽ đạt được vào đầu năm 2023 với mức 4,5% hoặc 4,75% và áp lực tăng lãi suất của Fed cho nửa cuối năm 2023 sẽ không quá nặng nề.
Lãi suất điều hành của Fed hiện ở khoảng 3.75 – 4%, có thể tiếp tục tăng lên mức 4.5% hoặc 4.75%
Với thị trường chứng khoán, ông Duy Anh cho rằng, thị trường này luôn luôn thể hiện sự kỳ vọng và “chạy trước” các chính sách vĩ mô.
“Khi kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc giảm tốc độ tăng lãi suất trở thành hiện thực và Fed có mức tăng thấp hơn cả dự đoán của nhà đầu tư và các chuyên gia thì thị trường chứng khoán sẽ có những điểm tích cực nhất định”, ông Duy Anh nhìn nhận.
Còn theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking (MSVN), có hai yếu tố tác động đến lãi suất của Việt Nam.
Trong đó áp lực tỷ giá mà nguyên nhân sâu xa là việc Fed tăng lãi suất để đối phó với lạm phát của Mỹ. Sau báo cáo tháng 10, lạm phát đã có dấu hiệu giảm dần cho thấy chính sách tăng lãi suất của Fed phát huy hiệu quả.
Điều này cho Fed có không gian điều chỉnh tiến trình tăng lãi suất với các bước tăng chậm hơn.
Thị trường cũng đã phản ánh điều này khi chỉ số US Dollar Index đã có dấu hiệu giảm dần trong hai tuần gần đây, giúp áp lực tỷ giá lên VND hạ nhiệt đáng kể.
Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đô la Mỹ với 6 loại ngoại tệ mạnh khác bao gồm: euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ.
Áp lực tỷ giá lên lãi suất của Việt Nam có thể diễn ra nhanh hơn và thể hiện trong quý II/2023.
Tuy nhiên, yếu tố tác động mạnh đến lãi suất năm sau lại là lạm phát.
Có thể với năm nay, đây không phải là yếu tố quá nghiêm trọng nhưng năm sau, ít nhất là nửa đầu năm 2023, các cơ quan quản lý cần theo dõi rất cẩn thận.
“Năm nay, VND đã mất giá tới 8% khiến chúng ta nhập khẩu lạm phát một phần, cộng với nền so sánh của năm 2022 là năm 2021 rất tốt nhưng sang năm sau không có yếu tố đó nữa”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành nhìn nhận, nếu đến tháng 6, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mức cho phép là 4.5% thì sẽ có không gian cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ như hạ lãi suất hoặc nới room tín dụng.
Simplize đồng ý với góc nhìn của chuyên gia…
Về đầu tư, thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước nền kinh tế một khoảng thời gian nhất định (từ 3 – 6 tháng) và lịch sử đã chứng minh thị trường sẽ tạo đáy khi lạm phát đạt đỉnh.
Tuy nhiên thị trường sẽ rất khó phục hồi theo hình chữ V do đó bạn không cần phải quá vội vàng nếu chưa mua được cổ phiếu.
Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize