Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
5 Bước Xây Dựng Quỹ Dự Phòng Tài Chính

5 Bước Xây Dựng Quỹ Dự Phòng Tài Chính

Bùi Thắng06/10/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Khánh Phan, FRM

Anh Khánh Phan, FRM có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, quản trị rủi ro tài chính, và đầu tư chứng khoán. Anh có hơn 5 năm ở vị trí quản lý cấp cao ở Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), hơn 5 năm ở vị trí Giám đốc quỹ đầu tư, và gần 2 năm làm việc ở vị trí Kiểm toán viên ở KPMG (Big4 Kiểm toán). Anh tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng – Đại học Ngoại thương Hà Nội. Anh là 1 trong 10 người đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành chứng chỉ FRM và là Supervisor đại diện của GARP tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2020.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Khánh Phan, FRM

Bạn sẽ làm gì nếu bỗng một ngày xe, laptop hỏng, bệnh tật bất ngờ ập đến hoặc tệ hơn nữa là mất việc? Dù lớn hay nhỏ, những khoản chi ngoài kế hoạch này không thể tránh khỏi.

Có một điều không may, vận xui rất thích “chơi hội đồng”. Nếu không có quỹ tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp như này, cuộc đời bạn chỉ có một chữ: “THẢM”.

Bằng cách xây dựng quỹ dự phòng tài chính – dù chỉ là một khoản nhỏ cho những chi phí ngoài kế hoạch sẽ giúp bạn hồi phục nhanh hơn, dễ dàng quay lại với mục tiêu lớn hơn.

Bài viết nằm trong series “Good Finance – Live in the moment”: 

Bài viết trước: “Tự Do Tài Chính – 6 Bước Làm Chủ Đồng Tiền”.

Hướng dẫn này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi sau:

  • Quỹ dự phòng tài chính là gì?
  • Tại sao bạn cần PHẢI có?
  • Bao nhiêu là đủ?
  • Xây dựng quỹ dự phòng tài chính như thế nào?
  • Bạn nên giữ tiền ở đâu?
  • Sử dụng trong những trường hợp nào?

Quỹ dự phòng tài chính là gì?

Quỹ dự phòng tài chính hay còn gọi là quỹ khẩn cấp là một khoản dự trữ tiền mặt được dành riêng cho các chi phí ngoài kế hoạch hoặc các trường hợp khẩn cấp về tài chính. Một số ví dụ phổ biến bao gồm sửa xe, sửa nhà, hóa đơn y tế hoặc mất thu nhập.

Túm lại,

Khoản tiết kiệm khẩn cấp có thể được sử dụng cho các hóa đơn hoặc khoản thanh toán lớn hoặc nhỏ ngoài kế hoạch không nằm trong chi tiêu hàng tháng.

Tại sao bạn cần PHẢI có quỹ dự phòng tài chính?

Bạn không thể kiểm soát mọi điều xảy ra với mình, nếu không có tiền tiết kiệm, một cú “shock tài chính”, dù nhỏ cũng có thể khiến bạn thụt lùi và có thể biến thành nợ nần.

Câu chuyện nhỏ

Lý do cần có quỹ dự phòng tài chính
Vận xui thường đi theo đàn, đam mê của tụi nó là đánh hội đồng!

Khoảng giữa năm 2021 cả thế giới vẫn đang cơn khủng hoảng Covid, tại thời điểm đó tôi vẫn đang cùng một người bạn điều hành doanh nghiệp sản xuất đồng phục. Sản phẩm của chúng tôi nhắm đến doanh nghiệp, các mẫu liên quan đến team building, du lịch…

Bạn biết đấy, trong bối cảnh “zero covid” đâu có công ty nào du lịch hay tổ chức teambuilding nữa. Tất nhiên, báo cáo tài chính luôn trong tình trạng thua lỗ, trong thời gian đó tôi không có thu nhập mà còn phải thường xuyên bù lỗ. Tưởng như vậy đã thảm lắm rồi.

Nhưng, không….

Vợ và con gái gần 2 tuổi của tôi cũng bị dính covid, sau hơn 1 tuần thì đến lượt tôi. Chưa hết, khoảng 1 tháng sau đó đến lượt laptop hỏng, điện thoại mất.

Thế là, quỹ dự phòng khẩn cấp gia đình tôi theo đó mà đi, không lưu luyến nhìn lại lấy 1 lần.

Quả thực, “vận xui thường đi theo đàn, đam mê của tụi nó là đánh hội đồng”. Nghĩ lại đến giờ vẫn còn sợ, nếu không có quỹ dự phòng trước đó, không biết bây giờ tôi đang ở phương trời nào.

Hiệu ứng domino

Điều đáng sợ nhất của nợ nần không phải là bao nhiêu tiền mà ở phản ứng domino sau đó. Nếu bạn có dịp nói chuyện nhiều với những con bạc, bạn sẽ thấy nợ nần đáng sợ như thế nào.

Tôi có thằng bạn, trước dịch nó mua nhà trả góp, nếu không có gì xảy ra với mức lương của nó thanh toán ngân hàng mỗi tháng khá nhẹ nhàng, cuối tuần vui vẻ vi vu cùng gia đình trên con xe đã trả hết nợ.

Covid ấp đến, mất việc, số tiền đền bù thôi việc chỉ giúp nó xoay sở được 3 tháng, nợ ngân hàng vẫn phải trả, chi phí sinh hoạt không thể thiếu.

Và, nó đã đưa ra một quyết định rất chi là “ối rồi ôi”: thả con “lô”, trúng thì có tiền trả nợ và tiếp tục tìm việc, không may nó đã “tạch”. Với suy nghĩ lần này sẽ khác… và sau đó là chuỗi domino kích hoạt, bán xe, bán nhà chịu lỗ hơn 30% lúc mua, vợ con chuyển về quê…

Giá như nó có quỹ dự phòng đủ cho 6 tháng, với năng lực của nó không khó để tìm một công việc mới.

Tất nhiên không phải ai cũng có “máu cờ bạc”, nhưng nợ nần sẽ làm bạn phân tâm, rất khó tập trung làm việc, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.

Vậy…?

Quỹ dự phòng bao nhiêu là đủ?

Số tiền cần trong quỹ tiết kiệm khẩn cấp tùy thuộc vào mỗi người. Hãy xác định các chi phí trung bình hàng tháng, bao gồm nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm, các khoản chi phí lớn nhất.

Tính toán để bạn có thể duy trì sinh hoạt bình thường trong ít nhất 3 tháng, lý tưởng nhất là 6 tháng. 6 tháng giúp bạn có nhiều thời gian lựa chọn và cũng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đầu tư cho mục tiêu tự do tài chính của bạn.

Đừng quá lo lắng…

Nếu bạn đang sống bằng tiền lương hoặc thu nhập không cố định, việc trích ra bất kỳ khoản tiền nào sang một bên có thể cảm thấy khó khăn.

Tuy nhiên, ngay cả một số tiền nhỏ cũng có thể mang lại sự đảm bảo về mặt tài chính. Hãy theo dõi các bài viết trong mục tài chính cá nhân của Simplize để tìm ra các chiến lược tiết kiệm phù hợp nhất với bạn.

Nếu bạn đã sẵn sàng bắt đầu, dưới đây là 5 gợi ý có thể giúp bạn xây dựng quỹ khẩn cấp dễ dàng hơn.

5 bước xây dựng quỹ dự phòng tài chính

Có nhiều chiến lược khác nhau để bạn bắt đầu tiết kiệm. Các chiến lược này bao gồm nhiều tình huống, bao gồm cả việc bạn có khả năng tiết kiệm hạn chế hay thu nhập của bạn có xu hướng dao động. Có thể bạn có thể sử dụng tất cả các chiến lược này, nhưng nếu khả năng tiết kiệm của bạn bị hạn chế hãy bắt đầu từ những khoản nhỏ nhất.

5 bước xây dựng quỹ dự phòng tài chính

#1. Đặt mục tiêu tiết kiệm nhỏ, thay vì mục tiêu lớn.

Cơm phải ăn từng miếng, đường phải đi từng bước. Thay vì lập mục tiêu cho 6 tháng, hãy chia ra thành 1 tháng, thậm chí 2 tuần, hoặc bất cứ điều gì cần làm để mục tiêu của bạn trở nên khả thi.

Hoàn thành một mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn có động lực cho những mục tiêu lớn tiếp theo. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp bạn dần tạo thành thói quen tiết kiệm, một kỹ năng thiết yếu trong quản lý tài chính cá nhân.

#2. Bắt đầu từ khoản đóng góp nhỏ, đều đặn

Hãy đặt mức đóng góp ban đầu của bạn ở mức vừa phải. Điều này sẽ đảm bảo không gây căng thẳng cho dòng tiền của mình, lý do khiến bạn dễ dàng hợp lý hóa việc từ bỏ mục tiêu tiết kiệm của mình.

Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm bằng cách cắt giảm đi 1-2 ly cafe mỗi tuần, ngừng sử dụng các dịch vụ giải trí như Netflix, Spotify thay thế bằng các dịch vụ miễn phí hoặc bán bớt 1 đôi giày ít sử dụng…

#3. Để quỹ tách bạch và an toàn

Cá nhân tôi thiên về phương án tạo một tài khoản ngân hàng riêng và chuyển các khoản tiết kiệm vào đó. Tuy nhiên, phụ thuộc vào tình hình thực tế, bạn cũng có thể chọn phương án lưu trữ tiền mặt.

Hãy đảm bảo quỹ này:

  • Để một nơi an toàn
  • Tách bạch với các khoản chi khác
  • Dễ dàng lấy ra trong tình huống khẩn cấp.

Mẹo nhỏ: Nếu bạn để tiền trong ngân hàng, hãy mở tài khoản tiết kiệm ngắn hạn từ 1-3 tháng để hưởng lãi. Mặc dù lãi ít, nhưng thịt muỗi cũng là thịt, 100k cũng có thể giúp bạn mua 20 gói mì trong những lúc khó khăn cơ mà.

#4. Chỉ sử dụng khi cần thiết

Bạn nên tạo ra một danh sách những khoản chi tiêu cho việc sử dụng quỹ. Chú ý, không phải tất mọi chi phí bất ngờ không nằm trong kế hoạch cũng cần dùng đến. Do đó, chỉ nên sử dụng quỹ này khi thực sự cần thiết và cố gắng duy trì sự nhất quán.

Ví dụ

Không nên sử dụng: Xe máy hay điện thoại hỏng nhưng chi phí sửa chữa không lớn, nó hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của bạn mà không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu hàng tháng

Chỉ sử dụng khi chi phí phải trả nó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày và khiến bạn trở nên áp lực.

#5. Bổ sung ngay khi sử dụng

Ngay khi cần sử dụng đến quỹ khẩn cấp tài chính, bạn hãy bổ sung trong thời gian sớm nhất có thể.

Tóm lại là…

Chỉ xem quỹ khẩn cấp như một khoản bảo hiểm chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Khi thu nhập của bạn tăng lên hãy điều chỉnh quỹ cho phù hợp với nhu cầu mới.

Luôn nhớ rằng khi tiền trong quỹ mỗi lần được sử dụng, thời gian để lấp đầy nó sẽ lâu hơn so với bạn nghĩ. Nên bắt đầu ngay bây giờ và tiết kiệm bất cứ thứ gì bạn có thể, ngay cả khi số tiền rất nhỏ.

 

Chia sẻ bài viết

Bùi Thắng

A husband, father, entrepreneur and crypto hodler. Tham gia đầu tư từ 2017 áp dụng chiến lược DCA dài hạn với triết lý đầu tư: "Tiền chuyển từ người thiếu kiên nhẫn sang người kiên nhẫn”

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668

Thợ săn cổ phiếu 2.0

Thị trường bùng nổ, cổ phiếu nào sẽ tăng+200% +300%trong năm 2024?