Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tự do tài chính là gì? 6 Nguyên Tắc Vàng Dẫn Tới Thành Công

Tự do tài chính là gì? 6 Nguyên Tắc Vàng Dẫn Tới Thành Công

Bùi Thắng02/10/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Khánh Phan, FRM

Anh Khánh Phan, FRM có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, quản trị rủi ro tài chính, và đầu tư chứng khoán. Anh có hơn 5 năm ở vị trí quản lý cấp cao ở Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), hơn 5 năm ở vị trí Giám đốc quỹ đầu tư, và gần 2 năm làm việc ở vị trí Kiểm toán viên ở KPMG (Big4 Kiểm toán). Anh tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng – Đại học Ngoại thương Hà Nội. Anh là 1 trong 10 người đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành chứng chỉ FRM và là Supervisor đại diện của GARP tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2020.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Khánh Phan, FRM

Tự do tài chính chỉ làm những điều bạn thích mà không cần phải quan tâm đến vấn đề tiền bạc..

Hmm.. đó là một truyền thuyết, không dành cho phần lớn mọi người.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch đạt tự chủ tài chính vào khoảng 6 năm trước, khi bước vào tuổi 30, dù khá muộn nhưng may mắn là tôi đã bắt đầu.

Thành thật mà nói cái gọi là tự do tài chính vẫn còn cách tôi khá xa, vẫn phải cày 2-3 jobs cùng 1 lúc, vẫn còn hàng trăm mối lo kinh tế phải nghĩ.

Nhưng trong hơn 6 năm học và thực hành với hàng tá sai lầm mắc phải, tôi hy vọng bài viết này có thể mang lại giá trị và có thể giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có.

Trước đây, tôi theo chủ nghĩa tiêu dùng, nghĩa là kiếm được đồng nào phải tiêu hết ngay…

Suy nghĩ: “không cho nó đẻ trứng” đã ăn sâu trong tiềm thức.

Tôi không có khái niệm tiết kiệm hoặc chỉ “để dành tiền” nếu tháng đó có ít nhu cầu.

Tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện về gửi tiết kiệm ngân hàng kiểu như: “Lúc gửi tương đương với 1 căn nhà, sau 20 năm rút ra chỉ đủ mua bát phở.”

Đó cũng là lý do tại sao khi đó tài khoản ngân hàng chưa bao giờ vượt quá 20tr, nhiều khi còn ở mức âm, mặc dù thu nhập của tôi cũng không hề thấp.

Bởi,

… tôi sợ lạm phát.

Simplize Learn đã đăng bài viết về lạm phát của CFO – Tuấn Trần, tôi nghĩ bạn cũng nên dành chút thời gian để đọc bài viết: Lạm phát là gì? 4 cách bảo vệ tài sản trước lạm phát

Bước ngoặt xảy ra khi tôi bắt đầu bước qua ngưỡng tuổi 30, lập gia đình và có con nhỏ, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về kế hoạch tài chính cho tương lai.

Và bây giờ tôi muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm của tôi về chủ đề: Tự do tài chính là gì? Làm thế nào để “tiền bạc không còn là vấn đề”.

KEY TAKEAWAYS

  • Tự do tài chính là khi bạn có thể nói: Fuck you money.
  • Số tiền để đạt được tự chủ tài chính phụ thuộc vào nhu cầu của từng người.
  • Bạn cần có kế hoạch và áp dụng đúng nguyên tắc để thành công.
  • Hãy thêm lạm phát vào kế hoạch nghỉ.
  • Đầu tư và quỹ dự phòng khẩn cấp là 2 bạn cùng tiến.

Tự do tài chính là gì?

Tự do tài chính là gì
Tự do tài chính là khi bạn có thể nói Fuck you money!

Nói một cách đơn giản người tự chủ tài chính là người có đủ tiền để chi trả cho những nhu cầu sinh hoạt như ăn uống, giải trí… trong một thời gian dài mà không bị chi phối bởi tiền bạc.

Tự do tài chính là bạn có thể nói:

Nhiều tiền mà làm gì! FUCK YOU MONEY!

Để đạt được điều này bạn phải có 1 trong 2 yếu tố sau:

  • Thu nhập thụ động lớn hơn chi phí phải chi..
  • Hoặc bạn có RẤT, RẤT NHIỀU TIỀN, tiêu cả đời không hết. Vd như bạn có trong tay 1000 tỷ, mỗi năm bạn chi tiêu hết 2 tỷ, bạn cần 500 năm để tiêu hết số tiền này.

Bạn đang nghĩ cùng lắm chỉ sống thêm được 100 năm, đâu cần nhiều vậy, 200 tỷ là đủ rồi. Hmm.. tôi sẽ bàn về vấn đề này chi tiết hơn bên dưới.

Cần bao nhiêu tiền để đạt được tự do tài chính

Mỗi cá nhân có nhu cầu chi tiêu khác nhau, nhu cầu của bạn khác của tôi. Tôi chỉ cần 5tr mỗi tháng là đủ, nhưng bạn lại cần đến 100tr, thậm chí 500tr mới gọi là đủ.

Bạn thấy đấy, số tiền cần để đạt được tự do tài chính phụ thuộc vào mục tiêu và hoàn cảnh của từng người.

Để tính toán được số tiền cho việc tự chủ tài chính, bạn cần xác định nhu cầu của bản thân để lập kế hoạch tài chính rõ ràng, các khoản thu chi và khoản tiền tiết kiệm cần có để cuộc sống như bạn muốn, không cần đắn đo nhiều.

Số tiền bạn cần để có sự tự chủ trong tài chính

Số tiền bạn cần chuẩn bị để được tự do tài chính phải đáp ứng được các chi phí sau:

  • Chi phí cơ bản bắt buộc gồm: nhà ở, ăn uống, điện nước, di chuyển,…
  • Các khoản chi cho việc giải trí, du lịch, duy trì các mối quan hệ. Những khoản chi này có thể giảm theo độ tuổi.
  • Quỹ dự phòng tài chính (Emergency Fund) dùng cho các sự cố ốm đau, bệnh tật, trường hợp bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai. Chi phí này sẽ tăng dần theo độ tuổi.
  • Khoản tiết kiệm cho các dự định tương lai như mua xe, mua nhà, lập gia đình, có con…
  • Chi phí cho học tập, phát triển bản thân,… Tất nhiên rồi, bạn càng có kiến thức bạn càng kiếm được nhiều tiền hơn, con đường đến giấc mơ trong truyền thuyết càng gần.

Quy luật 4% có mang bạn đến với độc lập tài chính?

Quy tắc 4% hay còn gọi là quy tắc 25 nói rằng nếu hàng năm bạn rút 4% trong tổng khoản đầu tư thì bạn có thể sống thoải mái trong 30 năm tiếp theo.

Công thức của quy luật 4% :

Số tiền có thể rút hàng năm = Tổng số tiền tiết kiệm đầu tư x 4%.

Ví dụ bạn đang có 3 tỷ như vậy mỗi năm bạn có thể rút:

3.000.000.000 x 4% = 120.000.000.

Quy tắc được công bố bởi William Bengen dựa theo mức lạm phát trung bình 3% mỗi năm của Mỹ.

Để tìm hiểu rõ hơn về quy luật 4% hãy xem video bên dưới của Thành Công TC – 1 thành viên trẻ cực kỳ tài năng của Simplize.

Thực tế, bạn sẽ không thể áp dụng một cách cứng nhắc quy tắc này ở Việt Nam bởi bối cảnh chính trị và kinh tế của chúng ta khác rất nhiều so với Mỹ.

Theo số liệu công bố từ chính phủ, lạm phát trung bình hàng năm của VN từ 4-6%. Nếu bạn thường xuyên đi chợ mua thực phẩm bạn có thể nhận thấy con số lạm phát thực cao hơn so con số này.

Ngoài yếu tố lạm phát, chúng ta cũng cần tính đến những sự cố bất ngờ có thể xảy đến như ốm đau, bệnh tật…

Do vậy, khi lên kế hoạch bạn cũng cần phải tính đến yếu tố hết sức quan trọng này, tôi sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần dưới.

4 biến số của tự do tài chính

Các yếu tố ảnh hưởng chính đến mục tiêu tự do tài chính là:

  • Thời gian đầu tư
  • Hiệu suất đầu tư
  • Tỷ lệ đầu tư
  • Số tiền tiết kiệm

3 cấp độ của tự do tài chính

Nếu bạn đã tìm hiểu về vấn đề này bạn sẽ thấy hàng tá cấp độ được các chuyên gia và các nhà đầu tư định nghĩa.

Nào là 7 cấp độ tự do tài chính cá nhân, nào là tự do tài chính gia đình, tự do lựa chọn nghề nghiệp, sáng tạo, rồi cả đối phó khủng hoảng, bla bla…

Mệt,

Tôi thích chủ nghĩa tối giản tôi thấy chỉ cần chia ra làm 3 cấp độ là đủ, trong cuộc sống đã có quá nhiều vấn đề phức tạp rồi đâu cần phải mua dây buộc mình làm phức tạp hóa những vấn đề vốn đơn giản.

Thực tế, phân chia cấp độ này chỉ giúp chúng ta nhìn thấy được mục tiêu để phấn đấu. Tôi tin rằng sau một thời gian bạn chắc chắn sẽ đưa ra cho bản thân một mục tiêu chính xác, phù hợp với bạn nhất.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta lên kế hoạch và thực thi nó như thế nào.

Level 1: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”

Nếu bạn chưa có một kế hoạch tài chính cụ thể, chưa có các khoản đầu tư và hàng tháng vẫn trông chờ anh lương về giúp trang trải chi phí sinh hoạt thì bạn đang ở cấp độ này.

Ở cấp độ này, người ta thường không có dự trữ tiền, không có khả năng tiết kiệm, và thường phải làm việc để kiếm đủ tiền trả các khoản nợ và chi tiêu hàng ngày.

Những điều này có thể tạo ra áp lực tài chính và giới hạn sự lựa chọn về cuộc sống và nghĩa vụ tài chính của bạn.

Level 2: Tự do tài chính option basic

Tại cấp độ này, bạn đã có một kế hoạch tài chính cụ thể và cách quản lý tài chính của mình một cách hiệu quả. Bạn đã có thể đáp ứng được các chi phí hàng tháng và tích lũy được một khoản tiết kiệm tương đối (ít nhất trong 2-3 năm không cần làm việc bạn vẫn có thể sống tốt).

Có thể nói trước khi dịch bắt đầu tôi đã đạt được khoảng hơn 60% điểm kinh nghiệm ở cấp độ này. Nhưng bởi quá nóng vội tôi đã mắc hàng tá sai lầm trong kinh doanh và đầu tư khiến tôi phải reset chơi lại từ đầu.

Level 3: Tôi làm việc chỉ vì đam mê

Tại cấp độ này, bạn không chỉ có khả năng trang trải được chi phí hàng tháng, tích lũy được một khoản tiết kiệm đáng kể, mà còn đầu tư vào các khoản đầu tư khác nhau, tạo ra nguồn thu nhập bền vững và không phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng.

Lúc này bạn làm việc chỉ vì đam mê, thoải mái mua những món đồ bạn thích và du lịch bất cứ nơi đâu bạn muốn.

6 nguyên tắc vàng cho tự do tài chính

Nếu bạn hỏi tôi điều gì quan trọng nhất để đạt được tự do tài chính, không cần suy nghĩ câu trả lời sẽ là NGUYÊN TẮC.

Thomas Paine từng nói:

An army of principles can penetrate where an army of soldiers cannot. – Đội quân nguyên tắc có thể xuyên thủng cả những nơi mà đội quân con người không thể.

An army of principles can penetrate where an army of soldiers cannot.
Xây dựng nguyên tắc đúng đắn và “sống chết” tuân theo nó là yếu tố sống còn trong cuộc chơi tài chính.

Bạn có biết, trong đầu tư, phần lớn thua lỗ đến từ việc không quản lý được cảm xúc, kể cả với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Chính vì lẽ này đội ngũ Simplize nỗ lực ngày đêm cho ra mắt ứng dụng Phân Tích Cổ Phiếu Simplize 360 và Nebula AI giúp đưa ra gợi ý cổ phiếu tốt và loại bỏ cảm xúc trong đầu tư.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid vừa qua, bởi rất nhiều lý do tôi đã lờ đi những quy tắc đã đặt ra trước đó. Chính điều này đã dẫn tới hiệu ứng domino, nếu tôi không tham lam, kiên định tuân theo quy tắc đã đặt ra tôi đã không mất hơn 80% tài sản tích cóp trong nhiều năm.

Dưới đây là những nguyên tắc tự do tài chính quan trọng bạn cần biết:

#1. Đặt mục tiêu và lên kế hoạch rõ ràng

Bước đầu tiên hãy thành thật nhìn lại tình hình tài chính của bạn. Nó bao gồm số tiền bạn kiếm được, nợ, tiết kiệm, chi tiêu.

Bạn cần xác định tự do tài chính đối với bạn là như thế nào. Mọi người đều có mong muốn chung về nó, nhưng đó là mục tiêu quá mơ hồ. Bạn cần biết cụ thể về số tiền cần có và thời hạn để đạt được điều đó. Mục tiêu của bạn càng cụ thể thì khả năng đạt được chúng càng cao.

Hãy viết ra ba mục tiêu sau:

  • Bạn muốn có một cuộc sống như thế nào?
  • Bạn cần có bao nhiêu tiền trong ngân hàng để thực hiện những điều đó đến hết đời.
  • Bạn muốn nghỉ hưu ở độ tuổi bao nhiêu?

Ví dụ

Năm nay bạn 20 tuổi, bạn mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 50, có một quán cafe nhỏ decor theo sở thích. Quán cafe không vì lợi nhuận, bạn mở nó vì muốn có 1 không gian để chill, để bạn trò chuyện với mọi người trong khi đang viết 1 cuốn sách. Mỗi năm bạn muốn đi du lịch trong nước 2-3 lần và ít nhất 1 lần du lịch nước ngoài.

Công thức tính tự do tài chính

Tiếp theo đến chi tiêu hàng tháng, bạn không thể đoán trước tương lai của 30 năm sau. Vậy thì hãy lấy chi tiêu hiện tại x lạm phát sau 30 năm.

Bạn cần dùng đến công thức tính tổng lạm phát tích lũy:

Tổng lạm phát = [(1 + Lạm phát hàng năm)^Số năm – 1] x 100%

Cụ thể, chi tiêu mong muốn là 20tr / tháng, lạm phát trung bình là 5% mỗi năm:

  • Số tiền chi tiêu hàng tháng là 20 triệu VND.
  • Lạm phát hàng năm là 5% hoặc 0.05 khi tính toán.
  • Số năm là 30 năm.

Tổng lạm phát: [(1 + Lạm phát hàng năm)^Số năm – 1] x 100% = 332.19%

Để giữ mức chi tiêu tương đương 20tr sau 30 năm bạn cần:

20tr x 332.19 = 66,438,000 vnđ mỗi tháng, tương đương khoảng 800tr mỗi năm.

Bạn hãy làm tương tự như vậy với các chi phí khác như du lịch và quỹ dự phòng.

Khi bạn đã tính ra con số cần để có tự do tài chính, đừng quá hoang mang bởi nếu bạn tuân thủ 6 nguyên khắc tắc vàng này và với sức mạnh của lãi kép bạn hoàn toàn có thể hoàn thành được mục tiêu.

#2. Đầu tư, đầu tư và đầu tư

Những gì quan trọng cần phải nhắc 3 lần.

Đầu tư là cách hiệu quả nhất trên con đường đạt đến tự do tiền bạc. Nắm giữ tiền mặt và gửi tiết kiệm vào ngân hàng được coi là chiến lược an toàn, nhưng điều này sẽ khiến giá trị của nó giảm dần theo thời gian.

Bạn còn nhớ câu chuyện: “Lúc gửi tương đương với 1 căn nhà, sau 20 năm rút ra chỉ đủ mua bát phở” không?

Câu chuyện này có thể là chiêu trò giật tít câu view của báo chí, nhưng có 1 thực tế không thể phủ định: tiền sẽ giảm giá trị theo thời gian.

Quay trở về 20 năm trước với 1 tỷ bạn có thể mua 1 căn nhà to, rộng tại Hà Nội, còn bây giờ 1 tỷ thậm chí không thể mua nổi 1 căn chung cư giá rẻ trong nội thành.

Đầu tư thông minh giúp bạn có thêm nguồn thu nhập thụ động vượt qua lạm phát và số tiền của bạn sẽ tăng theo thời gian bởi sức mạnh của lãi kép.

Lựa chọn lĩnh vực đầu tư còn tùy thuộc vào vị thế và khẩu vị rủi ro của mỗi người, bạn có thể lựa chọn các chiến lược đầu tư như: Đầu tư chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, vàng hoặc crypto…

#3. Nâng cao kiến thức tài chính

Theo một khảo sát về mức độ “Am hiểu tài chính” khu vực Châu Á Thái Bình Dương do MasterCard Global công bố Việt Nam xếp thứ 16/17.

Có một thực tế, chúng ta không được học về tiền bạc ở trường học và các bậc phụ huynh cũng rất ngại mỗi khi đề cập đến tiền.

Tôi còn nhớ, hồi nhỏ mỗi khi xin tiền bố mẹ thì câu trả lời luôn là: tiền, tiền, suốt ngày tiền, nhà mình làm gì có tiền hả con.

Tự do tài chính là một quá trình liên tục, bạn cần phải học hỏi về tài chính để nâng cao trình độ và kiến thức của mình. Bạn có thể đọc sách, tham gia các khóa học hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn từ các chuyên gia tài chính.

Điều chỉnh chi tiêu là một nguyên tắc quan trọng trong tự do tài chính. Bạn nên xem xét và loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết, tập trung vào chi tiêu cho các mục tiêu quan trọng hơn như đầu tư, tiết kiệm và hoàn thiện các kỹ năng liên quan đến tài chính.

Simplize đã cho ra mắt 2 khóa học đầu tư hoàn toàn miễn phí:

#4. Gia tăng thu nhập

Song song với đầu tư hãy tìm cách gia tăng thu nhập, nó có thể đến từ việc tăng lương hoặc một công việc thứ 2.

Nếu công việc của bạn quá bận rộn không còn thời gian cho những công việc khác mà thu nhập của bạn vẫn không được như mong muốn. Theo tôi đây là thời điểm bạn nên dành thời xem xét lại giá trị công việc và tìm một hướng đi tốt hơn. Biết đâu đấy “lùi một bước trời cao biển rộng”.

Ngoài ra, cắt giảm những chi phí không cần thiết cũng rất quan trọng giúp ví tiền của bạn trở nên dày hơn. Quan trọng nhất là hãy tiết kiệm trước khi chi tiêu, bởi việc này cũng giống như bạn đã xây nền móng vững chắc.

#5. Xây dựng quỹ dự phòng

Không một ai có thể dự đoán được tương lai, việc xây dựng một quỹ dự phòng là cách tốt nhất để đối phó với những trở ngại tài chính không mong muốn.

Gia đình tôi luôn có 1 khoản dự phòng 6 tháng tiền thuê nhà + 1 khoản dự phòng cho các yếu tố bất ngờ có thể đến.

Bạn nên thiết lập một quỹ tiết kiệm và giữ số tiền đủ để chi trả cho các chi phí khẩn cấp như chi phí y tế, chi phí nhà cửa hay chi phí khác liên quan đến tài chính. Điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn cho những quyết định liên quan đến tiền bạc.

#6. Hãy chăm sóc sức khỏe của bạn

Thật khó để tập trung làm việc với một cơ thể uể oải, giữ cho cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tài chính của bạn.

Không chú ý đến sức khỏe sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực trước mắt và lâu dài đối với các mục tiêu tài chính của bạn. Một ngày bạn nghỉ ốm đồng nghĩa với việc mất 1 ngày lương làm việc, không những vậy bạn có thể phải chi thêm tiền cho thuốc men, viện phí.

Trong tình trạng tinh thần không được tốt bạn rất dễ đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm khiến thành quả nhiều năm của bạn đổ xuống sông, xuống biển.

Đầu tư cho sức khỏe không khó. Nhiều vấn đề y tế có thể được giải quyết hoặc thậm chí được ngăn ngừa, bằng những thay đổi cơ bản trong lối sống, chẳng hạn như tập thể dục nhiều hơn và chế độ ăn uống lành mạnh.

Tóm lại là…

Các nguyên tắc tự do tài chính giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình và cải thiện đời sống tài chính của mình. Tuy nhiên, tự do tài chính không đến một cách nhanh chóng và dễ dàng, mà là một quá trình, hãy kiên nhẫn và không ngừng học hỏi.

Note: Bài viết đến từ một người chưa đạt được tự do tài chính, chắc chắn sẽ có nhiều sai sót, rất mong nhận được comment góp ý từ các bạn.

Chia sẻ bài viết

Bùi Thắng

A husband, father, entrepreneur and crypto hodler. Tham gia đầu tư từ 2017 áp dụng chiến lược DCA dài hạn với triết lý đầu tư: "Tiền chuyển từ người thiếu kiên nhẫn sang người kiên nhẫn”

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668

Thợ săn cổ phiếu 2.0

Thị trường bùng nổ, cổ phiếu nào sẽ tăng+200% +300%trong năm 2024?