Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Chỉ số ROA: Công thức tính – ROA bao nhiêu là tốt?

Chỉ số ROA: Công thức tính – ROA bao nhiêu là tốt?

Simplize team04/04/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Chỉ số ROA là một trong những chỉ tiêu tài chính giúp bạn đánh giá khả năng sinh lời của một công ty.

Cho dù bạn là nhà đầu tư mới hay là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, khi đầu tư chứng khoán, việc hiểu rõ chỉ số ROA là rất quan trọng để xác định công ty có tạo ra lợi nhuận tương xứng với quy mô tài sản của họ hay không.

Bằng cánh tính toán chỉ số ROA, bạn có thể so sánh và đánh giá các công ty với nhau, để từ đó đưa ra các quyết định đầu tư tốt hơn.

Trong bài blog này, chúng sẽ đi sâu vào tìm hiểu về chỉ số này, bao gồm định nghĩa, tính toán, ý nghĩa và giới hạn của nó…

…cùng với đó là một số mẹo và thủ thuật để bạn có thể vận dụng chỉ số ROA vào đầu tư tốt hơn.

Chỉ số ROA là gì?

Chỉ số ROA (hay, Return on Assets) là tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, đo lường khả năng sinh lời và hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản của mình để tạo ra thu nhập.

Chỉ số này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về độ hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp, trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Simplize_Chỉ số ROA
Chỉ số ROA (Return on Assets – hay tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) đo lường khả năng sinh lời và hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản của mình để tạo ra thu nhập.

Công thức tính chỉ số ROA

Chỉ số ROA được tính bằng:

ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản bình quân (%)

Trong đó, Tổng tài sản bình quân = (Tài sản đầu kỳ + Tài sản cuối kỳ) / 2

Tại sao lại chia cho Tổng tài sản bình quân?

Lý do là vì:

Trong khi Lợi nhuận sau thuế xác định khoản lợi nhuận doanh nghiệp làm ra trong một khoảng thời gian (kỳ báo cáo, thường là năm)…

…thì tổng tài sản của doanh nghiệp lại là con số mang tính chất thời điểm, tại ngày báo cáo.

Do đó, nếu chỉ lấy Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản sẽ không thể hiện đúng bản chất sự thay đổi về tài sản của công ty trong kỳ báo cáo đó.

Tính chỉ số ROA từ báo cáo tài chính

Bạn có thể dễ dàng tính toán chỉ số ROA từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Ví dụ: Tính toán chỉ số ROA năm 2022 của CTCP Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG) – nhà sản xuất văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam

Bước 1: Xác định Lợi nhuận sau thuế

Simplize_Tính toán chỉ số ROA từ báo cáo tài chính
Chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế nằm ở Báo cáo kết quả kinh doanh

Từ báo cáo kết quả kinh doanh, ta xác định được Lợi nhuận sau thuế 2022 của TLG là: 401 tỷ đồng.

Bước 2: Tính Tổng tài sản bình quân

Simplize_Tính toán chỉ số ROA từ báo cáo tài chính
Chỉ tiêu Tổng tài sản nằm ở Bảng cân đối kế toán

Tổng tài sản bình quân năm 2022 của TLG là: (2,869 + 2,446) / 2 = 2,657.5 tỷ đồng

Bước 3: Tính chỉ số ROA

Lấy Lợi nhuận sau thuế chia Tổng tài sản bình quân, là bạn đã tính được chỉ số ROA:

ROA 2022 = 401 / 2,657.5 = 15.09%

Xem nhanh chỉ số ROA ở đâu?

Ngoài việc tự tính toán, bạn hoàn toàn có thể lên Simplize để xem nhanh chỉ tiêu ROA của bất kỳ cổ phiếu nào.

Bằng cách nhập Mã cổ phiếu, vào mục Số liệu tài chính, chọn Chỉ số tài chính và kéo xuống phần Chỉ số hiệu quả hoạt động.

Ví dụ chỉ số ROA (từng năm) của HPG:

Simplize_Xem nhanh chỉ số ROA
Chỉ số ROA của Hòa Phát (HPG) theo từng năm (Nguồn: Số liệu tài chính – Simplize)

Ví dụ chỉ số ROA (từng quý) của VNM:

Simplize_Xem nhanh chỉ số ROA
Chỉ số ROA của Vinamilk (VNM) theo từng quý (Nguồn: Số liệu tài chính – Simplize)

Rất nhanh lẹ phải không nào!!!

Ý nghĩa của chỉ số ROA

Chỉ số ROA đánh giá tính hiệu quả trong việc sử dụng tài sản của một công ty để tạo ra lợi nhuận.

Tại sao lại như vậy?

Lợi nhuận sau thuế là số lãi mà công ty kiếm được sau khi trừ đi tất cả các chi phí, trong khi tổng tài sản thể hiện giá trị của các nguồn lực thuộc sở hữu của công ty.

Do đó:

Khi chia chia lợi nhuận cho tổng tài sản, chúng ta sẽ biết được công ty đang…

…tạo ra bao nhiêu lợi nhuận từ mỗi đồng tài sản mà công ty có.

Ví dụ: 1 doanh nghiệp có ROA là 15%, điều này nghĩa là:

Với 100 đồng tài sản doanh nghiệp đang nắm giữ thì sẽ tạo ra 15 đồng lợi nhuận sau thuế (tương ứng 15% * 100).

Chỉ số ROA bao nhiêu là tốt?

Thông thường, chỉ số ROA cao hoặc ổn định theo thời gian sẽ là dấu hiệu tích cực, thể hiện:

  • Công ty đang sử dụng tài sản hiệu quả
  • Công ty tối ưu được các nguồn lực sẵn có
  • Lợi nhuận của công ty tạo ra hàng năm sẽ gia tăng giá trị nắm giữ cho cổ đông

Ngược lại, ROA thấp thể hiện:

  • Công ty có thể đang sử dụng không đúng mức tài sản của mình và không tạo lợi nhuận tương xứng với “tài nguyên” của công ty.
  • Hoặc, đến từ việc doanh nghiệp đầu tư vào tài sản cố định, mở rộng năng lực sản xuất (tài sản tăng) nhưng tài sản đó chưa hoàn thành vẫn ở khoản mục tài sản dở dang dài hạn; nên chưa thể tạo ra lợi nhuận (lợi nhuận ròng không đổi).

Vậy,

Chỉ số ROA nên được sử dụng như thế nào khi phân tích doanh nghiệp?

Chỉ số ROA rất hữu ích khi phân tích một cổ phiếu, tuy nhiên chỉ số ROA thế nào là đủ tốt đối với doanh nghiệp thì còn phải phụ thuộc vào:

#1. Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực nào?

Mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau về cơ cấu tài sản.

Ví dụ: các ngành thâm dụng vốn như sản xuất và cơ sở hạ tầng thường có ROA thấp hơn do yêu cầu đầu tư cao vào tài sản cố định.

Ngược lại, các ngành dựa trên dịch vụ có thể có ROA cao hơn do yêu cầu về vốn thấp hơn.

Simplize_ROA
ROA trung bình ngành 2022 (Nguồn: Simplize – Phân loại theo chuẩn phân ngành GICS (Sector))

Do đó, không có chuyện “ROA cao trên X% là tốt; còn thấp hơn thì là xấu” – sẽ không có một con số cụ thể để đánh giá tốt hay xấu.

Điều quan trọng là bạn phải xem xét mô hình kinh doanh của công ty và ngành mà công ty hoạt động khi đánh giá ROA.

#2. So sánh với trung bình ngành

Một cách hiệu quả để sử dụng ROA trong phân tích cổ phiếu là so sánh ROA của công ty với mức trung bình ngành.

Điều này có thể giúp bạn xác định công ty đó đang hoạt động tốt hơn hay kém hơn so với các công ty cùng ngành (xét trên phương diện sử dụng tài sản).

Một công ty có ROA cao hơn mức trung bình ngành có thể được coi là hiệu quả hơn trong việc tạo ra lợi nhuận từ tài sản của công ty, trong khi một công ty có ROA thấp hơn có thể được coi là kém hiệu quả hơn.

Simplize_Chỉ số ROA
Chỉ số ROA của Dược Hậu Giang (Mã: DHG) cao hơn 2 lần mức ROA trung bình ngành dược Việt Nam (Nguồn: Phân tích Hiệu quả hoạt động – Simplize)

#3. Phân tích xu hướng

Một cách đánh giá khác đó là chúng ta đi phân tích xu hướng ROA của công ty theo thời gian.

Nếu ROA của một công ty liên tục tăng trong vài năm, đó có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản hiệu quả hơn chính nó trong quá khứ.

Simplize_Chỉ số ROA
Chỉ số ROA của DHG tăng trưởng qua các năm và cao hơn mức trung bình ngành (Nguồn: Simplize)

Ngược lại, nếu ROA giảm dần theo thời gian, điều đó cho thấy có thể công ty đang phải đối mặt với những thách thức trong việc tạo ra lợi nhuận từ tài sản của mình.

Simplize_Chỉ số ROA
Chỉ số ROA của HHS suy giảm trong 3 năm trở lại đây (Nguồn: Simplize)

#4. Kết hợp với xem xét triển vọng tăng trưởng trong tương lai

Mặc dù, ROA cao hơn được coi là tốt hơn, vì nó cho thấy một công ty đang sử dụng tài sản của mình một cách hiệu quả để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, khi đánh giá một cổ phiếu, bạn cũng nên xem xét triển vọng tăng trưởng trong tương lai của công ty.

Một công ty có ROA cao trong vài năm qua, nhưng nếu nó lại hoạt động trong một ngành đã trưởng thành, nơi có rất ít cơ hội để mở rộng hoặc đổi mới, thì rất khó để duy trì mức ROA cao trong dài hạn.

Ngược lại, một công ty có ROA hiện tại thấp nhưng có thể có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, nếu nó hoạt động trong một ngành đang phát triển với nhu cầu cao và nhiều cơ hội mở rộng.

Tóm lại, mặc dù ROA là thước đo hữu ích để đánh giá hoạt động trong quá khứ của công ty, nhưng điều quan trọng là phải xem xét triển vọng tăng trưởng trong tương lai khi đánh giá cổ phiếu.

Bằng cách kiểm tra ngành và tiềm năng mở rộng của công ty, bạn có thể hiểu toàn diện hơn về triển vọng dài hạn của công ty và đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

#Tips: Bạn có thể sử dụng bộ lọc cổ phiếu trên Simplize để lọc ra những doanh nghiệp có ROA cao trên thị trường.

Sử dụng bộ lọc cổ phiếu trên Simplize để lọc ra những doanh nghiệp có ROA > 20% (Nguồn: Simplize – Bộ lọc cổ phiếu)

Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số ROA

Ưu điểm

  • Dễ tính toán: Tất nhiên rồi, chỉ cần dựa vào báo cáo tài chính là bạn đã có thể tự mình tính toán chỉ tiêu này.
  • Giúp so sánh các công ty với nhau: ROA có thể được sử dụng để so sánh lợi nhuận của các công ty trong cùng ngành, cùng lĩnh vực với nhau.
  • Cung cấp cái nhìn sâu hơn về hiệu quả hoạt động: ROA cho bạn biết mức độ hiệu quả của một công ty đang sử dụng tài sản của mình để tạo ra lợi nhuận
  • Đo lường khả năng sinh lời tổng thể: ROA tính đến cả doanh thu và chi phí của công ty, cung cấp thước đo toàn diện hơn về khả năng sinh lời.

Tuy nhiên, chỉ số ROA không phải là chỉ số “tối thượng”, nó chỉ phản ánh một khía cạnh của doanh nghiệp, không thể bao trùm cả bức tranh tài chính.

Nhược điểm

  • Phạm vi giới hạn: ROA chỉ xem xét khả năng sinh lời của công ty dựa trên tài sản của công ty đó, mà không tính đến các yếu tố quan trọng khác như cơ cấu đòn bẩy (nợ phải trả, vốn chủ sở hữu). Vì thế bạn sẽ cần phải kết hợp thêm với các chỉ tiêu tài chính khác để có được bức tranh rõ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
  • Chỉ so sánh theo ngành: ROA có thể không phù hợp khi so sánh các công ty hoạt động ở các ngành khác nhau, với cơ cấu tài sản và mô hình kinh doanh khác nhau.
  • Lợi nhuận là chỉ tiêu mà các công ty có thể sử dụng các phương pháp kế toán để cắt giảm hoặc thổi phồng vì lợi ích riêng. Chính vì điều này ROA có thể bị bóp méo.

Kết luận

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là thước đo quan trọng cần xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư.

Nó đo lường khả năng sinh lời của công ty liên quan đến tổng tài sản của công ty, cung cấp thông tin chi tiết về hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong công ty để tạo ra lợi nhuận.

Mặc dù ROA có những hạn chế và nên được sử dụng cùng với các số liệu tài chính khác, nhưng nó vẫn là một công cụ có giá trị cho các nhà đầu tư đang tìm cách đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.

Simplize_Chỉ số ROA
Chỉ số ROA nên được kết hợp thêm với các chỉ tiêu tài chính khác để có được bức tranh rõ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp

Bằng cách phân tích ROA của công ty cùng với các số liệu tài chính khác, bạn có thể hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của công ty và đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Chỉ tiêu này cũng có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả tài chính của công ty so với các công ty cùng ngành, xác định các khoản đầu tư tiềm năng và theo dõi những thay đổi về lợi nhuận của công ty theo thời gian.

Tôi hi vọng sau bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn chi tiết về chỉ số ROA và cách áp dụng chỉ số này trong việc lựa chọn cổ phiếu của mình.

Chia sẻ bài viết

Simplize team

Đội ngũ Phát triển sản phẩm của Simplize. Là những thành viên có nền tảng kiến thức chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668