Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Chỉ số P/E: Cách tính và áp dụng (CHUẨN NHẤT)

Chỉ số P/E: Cách tính và áp dụng (CHUẨN NHẤT)

Simplize team21/03/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Là nhà đầu tư, chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì chỉ số P/E trong chứng khoán. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đầy đủ và chính xác về chỉ số tài chính này.

Chính vì thế, trong bài viết này Simplize sẽ chia sẻ với bạn 9 vấn đề KHÔNG NÊN BỎ QUA về chỉ số P/E. Qua đó giúp bạn có cái nhìn sâu hơn, cũng như biết cách áp dụng chỉ số P/E hiệu quả hơn trong đầu tư.

Chỉ số P/E là gì?

Chỉ số P/E (viết tắt của Price to Earning Ratio) là chỉ số tài chính đánh giá mối quan hệ giữa Giá thị trường của cổ phiếu so với Thu nhập một cổ phần (EPS) của cổ phiếu đó.

Chỉ số P/E thể hiện một nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.

Ví dụ:

Chỉ số của P/E của Công ty cổ phần Vicostone (Mã: VCS) là 6.99.

Simplize_Chỉ số P/E
Chỉ số P/E của VCS – Nguồn: Simplize

Được hiểu rằng, nhà đầu tư đang chấp nhận bỏ ra 6.99 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Công thức tính chỉ số P/E

Chỉ số P/E được tính toán theo công thức:

P/E = Giá thị trường (Price) / Lợi nhuận 1 cổ phần (Earning Per Shares hay EPS)

Trong đó, Lợi nhuận 1 cổ phần (EPS) là phần lợi nhuận (sau thuế) phân bổ cho mỗi cổ phần đang lưu hành trên thị trường. Được tính bằng:

Lợi nhuận 1 cổ phần (EPS) = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ phiếu ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu lưu hành

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp (và có thể đem so sánh với các doanh nghiệp khác).

Ví dụ:

Cổ phiếu A đang được giao dịch trên thị trường với mức giá 76,000 vnđ/CP.

Công ty A có lợi nhuận sau thuế là 9,500 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 2 tỷ cổ phiếu.

Như vậy, lợi nhuận 1 cổ phần (EPS) = 9,500 (tỷ) / 2 (tỷ) = 4,750 vnđ/CP.

Và chỉ số P/E của cổ phiếu A là 76,000/4,750 = 16.0

–> Nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu với mức giá 76,000 vnđ/CP để nhận được phần thu nhập 4,750 vnđ/CP (tương đương với tỷ lệ P/E 16:1)

Phân loại chỉ số P/E

Trên thực tế, bạn có thể sẽ bắt gặp 2 loại chỉ số P/E:

  • Trailing P/E
  • và, Forward P/E.

Mỗi loại sẽ có công thức tính khác nhau và được ứng dụng trong đầu tư khác nhau.

Chỉ số P/E trailing

Chỉ số P/E trailing hay P/E trượt được xác định bằng cách lấy Giá cổ phiếu hiện tại chia cho Tổng lợi nhuận (EPS) 4 quý gần nhất.

Đây là chỉ số P/E phổ biến nhất và được nhiều nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất.

Khi nhắc đến chỉ số P/E hiện tại của 1 cổ phiếu là chúng ta đang nói về chỉ tiêu này.

* Note: Nếu bạn đọc ở đâu đó về chỉ tiêu P/E TTM thì nó cũng chính là chỉ số P/E trailing (với TTM là viết tắt của Trailing 12 months, tức Lũy kế 12 tháng)

Xem nhanh chỉ số P/E trailing

Bạn có thể xem nhanh chỉ số P/E của một cổ phiếu ngay trên Simplize bằng cách: Nhập mã cổ phiếu bạn muốn xem, và tìm chỉ số P/E ngay trên header của trang.

Simplize_Chỉ số P/E trailing
Chỉ số P/E trailing của VHM (Nguồn: Simplize)

Hoặc bạn có thể tự tính toán lại bằng công thức trên, như ở ví dụ này: P/E = 44,750 / 6,574 = 6.81

Trên Simplize, bạn cũng có thể theo dõi được chỉ số P/E trong quá khứ (mục đích để làm gì, tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở phần dưới bài viết này)

Simplize_Chỉ số P/E
Chỉ số P/E trailing của VHM 3 năm gần nhất (Nguồn: Simplize)

Tuy nhiên, chỉ số P/E trailing này cũng có thiếu sót…

Đó là chúng ta mua cổ phiếu với kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai, chứ không phải lợi nhuận trong quá khứ?!?

Vì thế, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra ước lượng về lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp và tính toán thêm chỉ số P/E forward.

Chỉ số P/E forward

P/E forward hay P/E dự phóng là 1 “phiên bản” của chỉ số P/E, được tính toán dựa trên Lợi nhuận một cổ phần dự phóng (EPS dự phóng).

Thông thường, EPS dự phóng ở đây là EPS dự kiến (ước lượng) trong 12 tháng tiếp theo (hoặc năm tài chính kế tiếp).

P/E forward = Giá thị trường (Price) / Lợi nhuận một cổ phần ước tính (EPS forward)

Ví dụ:

Trên Simplize, EPS dự phóng năm 2023 của cổ phiếu VHM (CTCP Vinhomes) đạt 6,918 vnđ/CP (mức trung bình)

Như vậy, P/E forward 2023 của VHM = 44,750 / 6,918 = 6.47

Ý nghĩa của chỉ số P/E trailing & P/E forward

Bạn dễ dàng nhận thấy:

  • Nếu tỷ lệ P/E forward thấp hơn P/E trailing, điều này ngụ ý rằng, nhà đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận (EPS) của doanh nghiệp sẽ tăng trong tương lai.
  • Và ngược lại, P/E forward cao hơn P/E trailing, nhà đầu tư cho rằng lợi nhuận tương lai sẽ giảm.

*Lưu ý: Vì P/E forward được tính toán dựa trên dự báo lợi nhuận tương lai, nên nó có thể bị tính toán sai hoặc chịu sự thiên vị của nhà phân tích. Vì thế, nhiều nhà đầu tư vẫn ưa thích P/E trailing vì nó đáng tin cậy hơn.

Chỉ số P/E là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư có thể tìm thấy các cổ phiếu đang bị định giá thấp trên thị trường

Chỉ số P/E bao nhiêu được xem là “xuất sắc”?

KHÓ có thể khẳng định chỉ số P/E cụ thể bao nhiêu thì được gọi là “xuất sắc”!?!

Bởi “tiêu chuẩn” cho P/E sẽ thay đổi theo từng ngành nghề kinh doanh, ở từng lĩnh vực cụ thể.

Bạn sẽ cần so sánh chỉ số P/E với các doanh nghiệp khác cùng ngành, so với mức trung bình ngành…

Simplize_Chỉ số P/E bao nhiêu là "xuất sắc"
So sánh P/E của cổ phiếu MBB với các cổ phiếu ngành Ngân hàng (Nguồn: Simplize)

…hoặc so sánh với chính nó trong “quá khứ”

Simplize_Chỉ số P/E bao nhiêu là "xuất sắc"
Biểu đồ P/E lịch sử của MBB (Nguồn: Simplize)

Thông thường, chúng ta nên xem xét các doanh nghiệp có chỉ số P/E càng thấp càng tốt.

Nếu doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả, lợi nhuận thu về tăng lên (EPS tăng), trong khi giá của cổ phiếu chưa kịp tăng theo, khiến cho P/E thấp – Trường hợp này có thể nói giá cổ phiếu đang bị định giá thấp và sẽ là cơ hội cho chúng ta.

Tuy nhiên…

Đôi khi chỉ số P/E thấp là do cổ đông hiện tại, họ nhận thấy doanh nghiệp không còn khả năng phát triển nên quyết định bán chốt lời. Khi đó, giá cổ phiếu giảm. Và khiến cho P/E thấp.

Với trường hợp này, chỉ số P/E có thể duy trì ở mức thấp trong 1 khoảng thời gian dài, nhưng cổ phiếu không được coi là “rẻ” bởi triển vọng phát triển của doanh nghiệp không còn.

Ngược lại…

1 doanh nghiệp có chỉ số P/E ở mức cao thì CHƯA HẲN ĐÃ XẤU!?!

Điều này chỉ ra rằng nhà đầu tư kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ cao hơn trong tương lai.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẵn sàng trả một mức “premium” cho những doanh nghiệp hàng đầu. Vì thế mà những doanh nghiệp này có chỉ số P/E rất cao.

Chỉ số P/E của FPT - Simplize
Chỉ số P/E của FPT – Simplize

Như vậy…

Nếu một công ty có chỉ số P/E cao hơn mức trung bình thị trường, hoặc mức trung bình ngành điều này có nghĩa là thị trường đang kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng tốt của công ty trong một thời gian tới, có thể là vài tháng hoặc vài năm nữa.

Một công ty có chỉ số P/E cao cuối cùng sẽ phải “xứng đáng với kì vọng của thị trường” thể hiện thông qua tốc độ tăng trưởng lớn về lợi nhuận hoạt động…

…nếu không, chắc chắn giá cổ phiếu của công ty đó sẽ giảm!

Sử dụng chỉ số P/E trong phân tích ngành Xây dựng có chính xác?

Nhiều nhà đầu tư sử dụng chỉ số P/E để đánh giá “đắt – rẻ” cho mọi cổ phiếu, thuộc mọi ngành nghề.

Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng!

Bởi bản chất của chỉ số P/E là sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp dựa trên yếu tố tăng trưởng ngành nghề. Vì thế không phải bất cứ doanh nghiệp nào bạn cũng có thể đánh giá chung chung như vậy.

  • Chỉ số P/E sẽ phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, bán lẻ…
  • Chỉ số P/E không phù hợp để đánh giá cổ phiếu xây dựng. Tại sao?
    • Vì doanh nghiệp xây dựng thực hiện bàn giao nhà xong cho khách thì mới ghi nhận doanh thu và thường phải theo tiến độ dự án.

Ưu điểm và hạn chế của chỉ số P/E

Ưu điểm của chỉ số P/E

  • Dễ thấy nhất, đó là sự đơn giản. Chỉ số này được nhiều nhà đầu tư sử dụng, vì chỉ cần vài bước là bạn có thể tính ra kết quả.
  • Chỉ số P/E vừa phản ánh kết quả hoạt động của công ty (lợi nhuận – EPS) và vừa phản ánh tâm lý thị trường (Price), do đó đây là chỉ số tuyệt vời để định giá đơn giản doanh nghiệp.

Theo đó, cổ phiếu có thể tăng giá trong tương lai khi EPS tăng (P/E không đổi) hoặc mức độ kỳ vọng của nhà đầu tư với cổ phiếu tăng (P/E tăng).

Hạn chế của chỉ số P/E

  • Trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ (dẫn tới EPS âm) thì bạn sẽ không thể sử dụng được chỉ số P/E.
  • Lợi nhuận của doanh nghiệp dễ bị “tác động”. Nhiều doanh nghiệp sử dụng các nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh lợi nhuận tăng (giảm) đột biến, phục vụ mục đích cá nhân họ.

Do vậy, trong nhiều trường hợp, bạn cũng cần phải đánh giá được lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ đâu? Có “bền vững” hay không?

Và tất nhiên bạn sẽ cần kết hợp thêm các chỉ tiêu tài chính khác nữa.

Tips: Xem chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E VNIndex) ở đâu?

Trên Trang chủ của Simplize, bạn có thể dễ dàng “check” được chỉ số P/E của VN-Index hiện tại đang là bao nhiêu?

Liệu thị trường Việt Nam có đang được “định giá rẻ hơn” so với chính nó trong quá khứ hay không?

Bạn có thể thấy mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn, với mức P/E khoảng 10.61 lần. Và đang nằm ở vùng đáy 5 năm.

Bonus 1: Nghịch đảo chỉ số P/E

Nếu như chỉ số P/E cho bạn biết:

Số năm (cần thiết) để doanh nghiệp kiếm đủ tiền (làm ra lợi nhuận) trả cho thị giá cổ phiếu?

Ví dụ:

Chỉ số P/E của 1 cổ phiếu là 8.5, có nghĩa doanh nghiệp cần 8.5 năm hoạt động (với mức EPS hiện tại) để trả đủ thị giá cổ phiếu.

Thì nghịch đảo của chỉ số này, tức là EPS/Price (hay còn được gọi là Earning Yield) sẽ cho bạn biết:

Mức lợi tức mà doanh nghiệp kiếm được trong năm hiện tại

Tiếp tục ví dụ trên…

Chỉ số P/E của cổ phiếu là 8.5, thì E/P của nó sẽ là 1/8.5 ~ 11.76% (Tức là, bạn nắm giữ cổ phiếu này thì hàng năm doanh nghiệp có thể mang lại mức lợi tức ~11.76%)

Với tư cách là cổ đông, chúng ta mong muốn mức lợi tức này sẽ lớn hơn (hoặc ít nhất là tương đương) với Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

1 ví dụ nữa, cũng khá hay. Đó là:

Chúng ta sẽ đi nghịch đảo chỉ số P/E của VN-Index

Khi đó, mức E/P trung bình của thị trường Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 9.43% (= 1/10.61)

Và khi so sánh với lãi suất phi rủi ro (lãi suất tiết kiệm 12 tháng) trung bình khoảng 7.7%…

Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại 1 số nhà băng

…thì rõ ràng VNIndex (hay thị trường chứng khoán) đang có mức định giá HẤP DẪN!!!

Bonus 2: Chỉ số P/E có bao giờ mang dấu “âm”?

Giá cổ phiếu không bao giờ âm, do đó, cách duy nhất để chỉ số P/E có thể âm… đó chính là số EPS âm!

EPS âm có nghĩa là cổ phiếu có lợi nhuận âm (báo lỗ) trong 12 tháng gần nhất. Đây có thể là lợi nhuận cả 4 quý đều âm, hoặc cộng (lũy kế) 4 quý gần nhất ra con số âm.

Tuy nhiên, lợi nhuận (EPS) khá nhạy cảm với chính sách kế toán, vì thế không phải cứ lợi nhuận âm thì có nghĩa cổ phiếu đó là một khoản đầu tư tồi.

Nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Dưới đây là 1 số lý do tại sao cổ phiếu có thể có EPS âm và chỉ số P/E âm.

5 lý do chính khiến EPS âm và chỉ số P/E âm

Lý do #1. Mô hình kinh doanh sai lầm

Một mô hình kinh doanh sai lầm có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Mô hình kinh doanh sai lầm có nghĩa là nó liên tục bị mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh và nó chắc chắn sẽ thất bại.

Đây có lẽ là rủi ro lớn nhất với chỉ số P/E âm và bạn có thể muốn tránh xa những cổ phiếu này.

Lý do #2. Kinh doanh khó khăn

Công ty có thể thực sự đang gặp khó khăn, liên tục phải chi tiêu nhiều hơn số tiền cần có… chỉ để tồn tại!

Những công ty như này có khả năng phá sản cao. Và đây chắc chắn là một khoản đầu tư tồi.

Lý do #3. Cổ phiếu thuộc dạng tăng trưởng, nhưng chưa sinh lời

Rất nhiều công ty có mức doanh thu tăng trưởng mạnh (như một số cổ phiếu công nghệ) nhưng lại không có lợi nhuận.

Về bản chất, để tăng doanh thu và có được nhiều khách hàng hơn, ban lãnh đạo thường sẽ chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng doanh thu.

Trong ngắn hạn, các công ty này có thể dự kiến ​​thua lỗ, nhưng nếu đó là một công ty tăng trưởng chất lượng cao, thì cuối cùng nó sẽ đạt được lợi nhuận.

Lý do #4. Có sự thay đổi trong chính sách kế toán

Những thay đổi trong chính sách kế toán (ví dụ thay đổi về chính sách khấu hao…) có thể khiến cho EPS âm trong một thời gian ngắn, ngay cả khi công ty không mất đồng nào.

Lý do #5. Ảnh hưởng một lần

Một công ty đôi khi có thể phải trả một khoản chi phí lớn một lần, chẳng hạn như một khoản tiền phạt lớn…

Điều đó có thể khiến EPS và chỉ số P/E tạm thời âm.

Chỉ số P/E âm sẽ gây khó hiểu

Chỉ số P/E cao cho thấy một cổ phiếu đắt, trong khi chỉ số P/E thấp cho thấy nó rẻ.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn thay đổi khi chỉ số P/E âm.

Hãy tưởng tượng 2 cổ phiếu giả định đều có giá 100,000 vnđ/CP.

Cổ phiếu A có EPS là -10,000 vnđ/CP, nghĩa là lỗ lớn. Nhưng cổ phiếu B có EPS là -1,000 vnđ/CP.

Trong trường hợp này, công ty A sẽ có chỉ số P/E âm là -10.

Còn công ty B sẽ có chỉ số P/E âm “cao ngất ngưởng” là -100.

Nhưng rõ ràng…

Số âm -100 trong trường hợp này lại là số thực sự tốt hơn. Nó có nghĩa là mức “tổn thất” (lỗ) của công ty là ít hơn.

Vì thế, nhiều nhà đầu tư khác xem chỉ số P/E âm như là một ước tính về mức độ “lỗ” của công ty so với giá cổ phiếu hiện tại.

Có nên mua cổ phiếu có chỉ số P/E âm không?

Chắc hẳn bạn đang tự hỏi:

Vậy có nên đầu tư vào một cổ phiếu có chỉ số P/E âm hay không?

Để trả lời được câu hỏi trên, bạn nên kiểm tra xem liệu doanh nghiệp đó đang thua lỗ trong một thời gian dài hay chỉ mới xảy ra gần đây.

Việc doanh nghiệp liên tục báo lỗ, cho thấy doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn. Nhưng nếu điều đó mới chỉ có xảy ra gần đây, rất có thể do ảnh hưởng của chính sách kế toán.

Cũng sẽ hữu ích nếu bạn so sánh với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành. Nếu hầu hết doanh nghiệp cũng thua lỗ, thì có lẽ toàn bộ ngành đó đang trong thời kỳ suy thoái.

Nói tóm lại…

Khi phân tích một doanh nghiệp có chỉ số P/E âm, điều quan trọng là bạn phải hiểu được lý do đằng sau khoản lỗ đó là gì? Đây là một khía cạnh quan trọng khi đầu tư vào các công ty không có lãi.

Hơn nữa, việc chỉ dựa vào một chỉ số duy nhất để kết luận sức khỏe tài chính của bất kỳ một doanh nghiệp nào là một quyết định không chính xác.

Mỗi chỉ số tài chính sẽ chỉ đưa ra một góc nhìn về khoản đầu tư đó. Để hình thành nên bức tranh toàn cảnh về “khoản đầu tư tiềm năng” bạn sẽ phải xem xét thêm các chỉ số tài chính khác nữa nhé.

Đừng mua cổ phiếu trừ khi bạn biết bạn đang làm gì

Kết luận

Chỉ số P/E là một trong những chỉ số quan trọng trong đầu tư chứng khoán.

Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá xem một công ty có đang được định giá hợp lý hay không.

Nếu P/E của một công ty cao hơn so với các công ty cùng ngành, điều này có thể cho thấy rằng thị trường đang định giá công ty này quá cao.

Ngược lại, nếu P/E của một công ty thấp hơn so với các công ty cùng ngành, điều này có thể cho thấy rằng công ty đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực của nó.

Tuy nhiên, chỉ số P/E cũng có những hạn chế và có thể dẫn đến những sai lầm đánh giá khi sử dụng một mình.

Chẳng hạn, các công ty trong cùng ngành có thể có mức lợi nhuận khác nhau, điều này sẽ ảnh hưởng đến P/E của từng công ty và khiến việc so sánh trở nên khó khăn.

Ngoài ra, P/E còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng kinh doanh của công ty, xu hướng thị trường và các yếu tố tài chính khác.

Tóm lại, chỉ số P/E là một trong những chỉ số quan trọng trong đầu tư chứng khoán, tuy nhiên cần phải được sử dụng đúng cách và kết hợp với các chỉ số khác để đánh giá chính xác giá trị của một công ty trên thị trường chứng khoán.

Chia sẻ bài viết

Simplize team

Đội ngũ Phát triển sản phẩm của Simplize. Là những thành viên có nền tảng kiến thức chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668