Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
4 loại lệnh chứng khoán quan trọng và rủi ro cần chú ý

4 loại lệnh chứng khoán quan trọng và rủi ro cần chú ý

Simplize team07/04/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Trên thị trường chứng khoán, hàng triệu lệnh được giao dịch mỗi ngày, tạo ra một lượng giao dịch khổng lồ trên toàn cầu.

Chẳng hạn:

  • Ở sàn chứng khoán Mỹ, tổng giá trị giao dịch hàng ngày đạt khoảng 200 tỷ USD
  • sàn HOSE tại Việt Nam, tổng giá trị giao dịch hàng ngày cũng đạt con số lên tới 25 nghìn tỷ VNĐ

Để thành công khi đầu tư chứng khoán, việc đơn giản và cơ bản nhất mà bạn cần thực hiện là hiểu rõ về lệnh chứng khoán và cách sử dụng các lệnh này một cách hiệu quả.

Sau bài viết này của Simplize, bạn sẽ học được:

  • Các loại lệnh chứng khoán phổ biến
  • Ưu nhược điểm của từng loại lệnh
  • Cách giao dịch hiệu quả dựa trên các loại lệnh này

Lệnh chứng khoán là gì?

lệnh chứng khoán

Lệnh chứng khoán là một yêu cầu được thực hiện bởi nhà đầu tư thông qua công ty chứng khoán (đơn vị trung gian môi giới). Yêu cầu này sau đó được chuyển đến các Sàn giao dịch để mua hoặc bán chứng khoán trên thị trường.

Lệnh chứng khoán là công cụ giúp bạn thực hiện nhu cầu mua hoặc bán.

Nghĩa là:

Thay vì bạn phải đàm phán trực tiếp với người mua, hoặc người bán, thì bạn chỉ cần thực hiện “đặt lệnh” và sàn giao dịch sẽ tìm người mua/bán “khớp lệnh” với bạn.

Với công nghệ hiện nay, toàn bộ chu trình này chỉ cần chưa đến 1 giây để thực hiện. Nhờ đó, lệnh chứng khoán sẽ giúp bạn giao dịch chứng khoán dễ dàng hơn và giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư.

Thông thường, những loại chứng khoán dưới đây có thể được nhà đầu tư mua bán thông qua đặt lệnh, bao gồm:

  • Cổ phiếu
  • Trái phiếu
  • Chứng chỉ quỹ đầu tư
  • Chứng khoán phái sinh
  • Một số loại tài sản khác

Khi đặt lệnh, bạn sẽ cần nhập một số thông tin cơ bản cho công ty chứng khoán để thực hiện lệnh, bao gồm:

  1. Mã chứng khoán: Mã định danh của chứng khoán muốn mua/bán (ví dụ: HPG – Tập đoàn Hòa Phát).
  2. Số lượng: Số lượng chứng khoán muốn mua/bán.
  3. Loại lệnh: Loại lệnh chứng khoán mà bạn muốn sử dụng (ví dụ: lệnh giá thị trường, lệnh giới hạn giá,…).
  4. Thời hạn: Thời gian mà lệnh chứng khoán có hiệu lực (ví dụ: ngày hôm nay, trong tuần, vô thời hạn,…).

Ở phần dưới bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn các loại lệnh chứng khoán cơ bản và quan trọng nhất mà bạn cần hiểu được.

Trong từng loại lệnh, tôi sẽ phân tích chi tiết ưu điểm và nhược điểm của từng loại lệnh, kèm theo các ví dụ chi tiết để bạn có thể hiểu và áp dụng được.

Để hiểu sâu và nâng cao hơn ở từng loại lệnh, các bạn nên đọc bài viết chi tiết của từng loại lệnh (với link đính kèm ở dưới).

#1. Lệnh LO (Limit Order) – Lệnh giới hạn

limit order

Lệnh giới hạn (Limit Order) là loại lệnh mà bạn sẽ chỉ định một mức giá cụ thể hoặc tốt hơn để mua hoặc bán chứng khoán.

Nếu giá thị trường của chứng khoán đạt đến mức giá giới hạn này, lệnh sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, nếu giá thị trường không đạt đến mức giới hạn, lệnh sẽ không được thực hiện.

Ví dụ về Lệnh giới hạn giá mua

Giả sử bạn muốn mua 100 cổ phiếu FPT, đang giao dịch với giá 80k/cổ phiếu.

Bạn không muốn mua với giá cao hơn 78k/cổ phiếu, khi đó bạn sẽ cần đặt một lệnh giới hạn giá mua.

Mã cổ phiếu Số lượng Loại lệnh Giá giới hạn Thời hạn
FPT 100 Mua 78.0 Trong ngày

Khi đó, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

  • Nếu trong ngày giá của cổ phiếu FPT giảm xuống 78k hoặc thấp hơn, lệnh của bạn sẽ được thực hiện. Và bạn sẽ mua được 100 cổ phiếu FPT với giá 78k/cổ phiếu.
  • Tuy nhiên, nếu giá của cổ phiếu FPT không giảm xuống mức 78k, lệnh sẽ không được thực hiện và sẽ hết hiệu lực vào cuối ngày.

Ví dụ về lệnh giới hạn giá bán

Tương tự, giả sử bạn muốn bán 100 cổ phiếu FPT mà bạn đang nắm giữ (có sẵn trong danh mục) và không muốn bán với giá thấp hơn 82k/cổ phiếu.

Khi đó, bạn sẽ cần đặt một lệnh giới hạn giá bán.

Mã cổ phiếu Số lượng Loại lệnh Giá giới hạn Thời hạn
FPT 100 Bán 82.0 Trong ngày

Hai trường hợp xảy ra sẽ là:

  • Nếu giá của cổ phiếu FPT tăng lên 82k hoặc cao hơn trong ngày, lệnh sẽ được thực hiện. Và bạn sẽ bán được 100 cổ phiếu FPT với giá 82/cổ phiếu.
  • Ngược lại, nếu giá của cổ phiếu FPT không tăng lên mức 82k, lệnh của bạn sẽ không được thực hiện và sẽ hết hạn vào cuối ngày.

Ưu điểm và nhược điểm của lệnh LO

Lệnh LO có 2 ưu điểm rất quan trọng:

  • Thứ nhất, lệnh LO giúp bạn kiểm soát được giá mua, giá bán cổ phiếu. Đảm bảo rằng, bạn sẽ chỉ mua hoặc bán ở mức giá mà bạn mong muốn.
  • Thứ hai, lệnh LO giúp bạn giảm rủi ro liên quan đến biến động giá. Vì cho dù, trong ngày giá cổ phiếu có biến động tăng giảm bất thường thì lệnh cũng chỉ được thực hiện khi đạt đến mức giá mà bạn đã chỉ định.

Nhược điểm của lệnh LO:

  • Không đảm bảo thực hiện: Với lệnh LO, như ví dụ tôi nêu ra ở trên, bạn sẽ không được đảm bảo chắc chắn sẽ được “khớp lệnh”, vì lệnh LO phụ thuộc vào việc giá thị trường có đạt mức giá giới hạn mà bạn đã chỉ định hay không
  • Bỏ lỡ cơ hội: Trong trường hợp giá thị trường không đạt đến mức giá giới gạn, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội mua/bán cổ phiếu ở những thời điểm mà bạn mong muốn

Trong trường hợp bạn muốn thực hiện lệnh mua/bán cổ phiếu ngay lập tức mà không quan tâm đến mức giá (nói cách khác, mua/bán ở bất kỳ mức giá nào), bạn sẽ cần đến Lệnh thị trường (Market Order).

#2. Lệnh MP (Market Price) – Lệnh thị trường

market order

Lệnh MP (Market Price), hay lệnh theo giá thị trường, là loại lệnh chứng khoán mà nhà đầu tư yêu cầu được mua hoặc bán ngay lập tức với giá thị trường hiện tại.

Lệnh MP ở thị trường Việt Nam sẽ gần tương đồng với lệnh MO (Market Order) ở thị trường quốc tế.

Có 1 đặc điểm quan trọng của lệnh MP. Đó là:

Lệnh này được ưu tiên thực hiện trước các loại lệnh khác và không yêu cầu chỉ định 1 mức giá mua bán cụ thể.

Điều này có nghĩa là…

Chỉ cần có bên mua hoặc bên bán tương ứng, lệnh của bạn sẽ được khớp và bạn sẽ thực hiện được mong muốn mua/bán của mình.

Ví dụ về mua cổ phiếu bằng lệnh MP

Giả sử bạn muốn mua 100 cổ phiếu MWG, hiện tại đang giao dịch với giá 45k/cổ phiếu.

Bạn muốn sở hữu MWG ngay lập tức vì không muốn bỏ lỡ cơ hội (đang trong xu hướng tăng giá mạnh). Khi đó, bạn sẽ đặt 1 lệnh MP để mua, ở bất kỳ giá nào.

Lệnh MP chỉ đơn giản là bạn muốn mua bao nhiêu cổ phiếu và không cần xác định mức giá cụ thể.

Mã cổ phiếu Số lượng Loại lệnh
MWG 100 Mua

Lệnh mua theo giá thị trường sẽ được thực hiện ngay lập tức với giá thị trường hiện tại (trong trường hợp cũng đang có dư bán).

Tuy nhiên bạn cần phải rất chú ý rằng…

Giá thực tế mà bạn mua cổ phiếu MWG có thể cao hơn hoặc thấp hơn 45k/cổ phiếu, tùy thuộc vào biến động giá trong thời điểm thực hiện lệnh của bạn.

Ví dụ bán cổ phiếu bằng lệnh MP

Tương tự, nếu bạn muốn bán 100 cổ phiếu MWG mà bạn đang nắm giữ, với bất kỳ giá nào, bạn sẽ đặt một lệnh bán giá thị trường (lệnh MP bán).

Mã cổ phiếu Số lượng Loại lệnh
MWG 100 Bán

Lệnh bán theo giá thị trường cũng sẽ được thực hiện ngay lập tức với giá thị trường hiện tại (nếu có dư mua tương ứng).

Tuy nhiên, giá thực tế mà bạn bán cổ phiếu MWG có thể cao hơn hoặc thấp hơn 45k, tùy thuộc vào biến động giá trong thời điểm bạn thực hiện lệnh.

Ưu điểm và nhược điểm của lệnh MP

Ưu điểm quan trọng nhất của lệnh MP là:

Nhanh chóng và đảm bảo thực hiện.

Lệnh MP sẽ được thực hiện ngay lập tức (miễn là có dư mua/bán tương ứng). Điều này sẽ giúp bạn có thể mua/bán chứng khoán một cách nhanh nhất mà không cần chờ đợi.

Tuy nhiên, lệnh MP cũng có những rủi ro rất lớn mà bạn cần chú ý:

  • Thứ nhất, bạn sẽ không kiểm soát được giá thực hiện: Khi sử dụng lệnh MP, bạn sẽ phải chấp nhận trường hợp giá mua/bán được thực hiện không như mong muốn do biến động giá.
  • Thứ hai, bạn sẽ phải chấp nhận trượt giá (slippage): Trong trường hợp thị trường biến động mạnh, giá mua/bán được thực hiện sẽ khác rất nhiều so với giá hiện tại khi đặt lệnh, dẫn đến rủi ro trượt giá rất lớn. Trong nhiều trường hợp, mức lỗ trượt giá có thể lên đến 0.5 – 1% ngay sau khi bạn đặt lệnh.

lệnh thị trường trên các sàn

Lệnh thị trường trên sàn HOSE

Tại thị trường Việt Nam, lệnh MP sẽ có những nguyên tắc khác nhau giữa Sàn HOSE (Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh) và Sàn HNX (Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội).

Với lệnh MP trên sàn HOSE, các nguyên tắc sẽ là:

  • Sau khi lệnh được nhập vào hệ thống:
    • Lệnh mua MP sẽ được thực hiện ngay tại mức giá bán thấp nhất hiện tại
    • Lệnh bán MP sẽ được thực hiện tại mức giá mua cao nhất hiện tại
  • Nếu khối lượng lệnh MP chưa được thực hiện hết:
    • Lệnh mua MP sẽ tiếp tục khớp với mức giá bán cao hơn tiếp theo
    • Lệnh bán MP sẽ tiếp tục khớp với mức giá mua thấp hơn tiếp theo
  • Trong trường hợp khối lượng lệnh MP vẫn còn sau khi thực hiện theo nguyên tắc trên và không thể tiếp tục khớp được nữa:
    • Lệnh MP sẽ chuyển thành lệnh giới hạn (lệnh LO) mua tại mức giá cao hơn một đơn vị yết giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó, hoặc
    • Lệnh giới hạn bán tại mức giá thấp hơn một đơn vị yết giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó
  • Nếu giá thực hiện cuối cùng là giá trần đối với lệnh mua MP hoặc giá sàn đối với lệnh bán MP, lệnh MP khi đó sẽ chuyển thành:
    • Lệnh giới hạn (lệnh LO) mua tại giá trần, hoặc
    • Lệnh giới hạn (lệnh LO) bán tại giá sàn
  • Lệnh MP chỉ có hiệu lực trong phiên khớp lệnh liên tục.
  • Nếu không có lệnh giới hạn đối ứng tại thời điểm nhập lệnh vào hệ thống giao dịch, lệnh MP sẽ tự động bị hủy.
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài, nếu lệnh mua MP của bạn chỉ được khớp một phần và chứng khoán đã hết room, phần còn lại của lệnh sẽ tự động bị hủy.

Lệnh thị trường trên sàn HNX

Đối với sàn HNX, lệnh thị trường sẽ chia thành 3 loại, tùy theo nhu cầu của bạn và khả năng khớp lệnh tại mức giá thị trường hiện tại.

Cụ thể:

  1. Lệnh MAK: Đây là lệnh có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần. Phần còn lại của lệnh sẽ bị hủy ngay sau khi khớp.
  2. Lệnh MOK: Loại lệnh này chỉ được thực hiện nếu có thể hoàn thành toàn bộ khối lượng đặt. Nếu không thực hiện được toàn bộ, lệnh sẽ bị hủy ngay lập tức trên hệ thống sau khi nhập.
  3. Lệnh MTL: Lệnh MTL cho phép thực hiện toàn bộ hoặc một phần khối lượng đặt. Phần còn lại của lệnh, nếu không được thực hiện, sẽ tự động chuyển thành lệnh LO (lệnh giới hạn) trên hệ thống.

#3. Lệnh ATO

lệnh ATO

Lệnh ATO (At-the-Open Order) là loại lệnh đặt mua/bán chứng khoán tại mức giá mở cửa của phiên giao dịch. Nói cách khác, giá mở cửa của cổ phiếu sẽ được xác định dựa trên các lệnh ATO này ở phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa.

Có 3 đặc điểm quan trọng của lệnh ATO:

  • Lệnh ATO được ưu tiên trước so với lệnh giới hạn (lệnh LO) trong quá trình so khớp lệnh
  • Bạn sẽ phải đặt lệnh ATO vào hệ thống giao dịch trong thời gian khớp lệnh định kỳ (và giá mở cửa của cổ phiếu cũng sẽ được xác định trong thời gian này)
  • Lệnh ATO sẽ tự động bị hủy bỏ sau thời gian xác định giá mở cửa nếu lệnh không thực hiện được hoặc không thực hiện hết

Chi tiết ví dụ và các xác định giá mở cửa (giá khớp) đối với lệnh ATO, bạn có thể xem chi tiết trong bài viết của Simplize:

Ưu điểm và nhược điểm của lệnh ATO

Về ưu điểm:

  • Lệnh ATO sẽ giúp bạn được mua/bán cổ phiếu ngay tại mức giá mở cửa, tránh bị ảnh hưởng bởi biến động giá trong phiên giao dịch
  • Lệnh ATO sẽ được ưu tiên hơn so với lệnh LO, nghĩa là bạn sẽ được thực hiện giao dịch nhanh chóng hơn

Về nhược điểm cần chú ý:

  • Lệnh ATO không đảm bảo khối lượng cổ phiếu mua/bán đạt yêu cầu của bạn. Trong trường hợp không đủ khối lượng đối ứng, phần khối lượng còn lại của lệnh sẽ bị hủy
  • Lệnh ATO chỉ có hiệu lực trong phiên khớp lệnh định kỳ ở đầu phiên, do đó bạn sẽ chỉ có khoảng 15 phút để đặt lệnh
  • Quan trọng: Lệnh ATO đặt trong phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa thì sẽ không được hủy hay sửa lệnh.

#4. Lệnh ATC

lệnh ATC

Lệnh ATC (At The Close) là loại lệnh được sử dụng để mua/bán cổ phiếu tại thời điểm giao dịch cuối ngày. Ngược lại với lệnh ATO, lệnh ATC sẽ được thực hiện vào cuối phiên giao dịch, ngay trước khi thị trường đóng cửa.

Ví dụ:

Giả sử bạn muốn mua 100 cổ phiếu của công ty A tại mức giá đóng cửa thị trường.

Bạn sẽ đặt lệnh ATC cho 100 cổ phiếu của công ty A và lệnh này sẽ được thực hiện vào cuối phiên giao dịch, với giá đóng cửa của cổ phiếu đó.

Ưu điểm và nhược điểm của lệnh ATC

Ưu điểm của lệnh ATC:

  • Tương tự như lệnh ATO, lệnh ATC sẽ được ưu tiên hơn so với những lệnh khác. Do đó, cơ hội để bạn có thể khớp lệnh, mua/bán cổ phiếu sẽ cao hơn rất nhiều.

Nhược điểm của lệnh ATC:

  • Không kiểm soát được giá: Khi đặt lệnh ATC, bạn không biết trước giá đóng cửa cuối ngày. Vì thế, bạn không kiểm soát được giá mua hoặc bán của cổ phiếu (chỉ đến khi thị trường đóng cửa rồi, bạn mới biết được)
  • Không thể sửa hoặc hủy lệnh: Khi lệnh ATC đã được đặt, bạn không thể sửa đổi hoặc hủy lệnh trước khi thị trường đóng cửa (bao gồm cả những lệnh đặt chờ từ trước). Do đó, bạn không thể thay đổi quyết định nếu thị trường có những biến động bất ngờ.

Lời kết

Trên đây là 4 loại lệnh phổ biến nhất mà chắc chắn cần phải biết khi thực hiện giao dịch mua/bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Mỗi loại lệnh sẽ có những tác dụng khác nhau, tùy theo nhu cầu của bạn.

  • Nếu bạn chắc chắn về 1 mức giá mua/bán mong muốn, hãy chọn lệnh LO
  • Nếu bạn muốn mua/bán ngay mà không quá quan tâm về mức giá, hãy chọn lệnh MP
  • Nếu bạn chắc chắn rằng, ngày mai cổ phiếu sẽ có biến động lớn (tăng mạnh/giảm mạnh), bạn có thể dùng lệnh ATO để đặt lệnh ngay đầu phiên giao dịch ngày mai (phiên mở cửa)
  • Nếu bỏ lỡ 1 biến động lớn của cổ phiếu ngay trong phiên và muốn thực hiện giao dịch ngay, càng sớm càng tốt, bạn có thể dùng lệnh ATC để mua/bán cổ phiếu ngay phiên đóng cửa

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về các loại lệnh, ưu nhược điểm và cách sử dụng từng loại lệnh sao cho hợp lý.

Chúc bạn đầu tư thành công!

Chia sẻ bài viết

Simplize team

Đội ngũ Phát triển sản phẩm của Simplize. Là những thành viên có nền tảng kiến thức chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668