Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Quỹ đầu tư là gì? Cách lựa chọn quỹ đầu tư (Hiệu quả nhất)

Quỹ đầu tư là gì? Cách lựa chọn quỹ đầu tư (Hiệu quả nhất)

Vân Anh Đào06/03/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Vào năm 2022, có những thời điểm gần 40% số cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE về mệnh giá dưới 10.000 đồng.

Thị trường lao dốc, hàng trăm cổ phiếu "bốc hơi"

Hàng loạt cổ phiếu bị bốc hơi lên đến 40%, 50%, 60% và thậm chí là còn tệ hơn thế nữa.

Đúng vậy,

Đầu tư là chuyện KHÔNG HỀ DỄ.

Thậm chí là cực kì khó để có thể sinh lời, kiếm lợi từ việc đầu tư nếu công việc bạn làm hàng ngày là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên hay nhân viên văn phòng…

Do đặc thù của công việc…

…và bạn cũng không có nhiều thời gian để học và nghiên cứu cổ phiếu.

Vậy nếu thực sự bạn đang rơi vào trường hợp trên thì có phải không thể mang tiền đi đầu tư vào thị trường chứng khoán hay không?

Thực tế là KHÔNG.

Bạn vẫn có thể đi đầu tư…

…và hoàn toàn có thể sinh lời từ số tiền nhàn rỗi mà bạn đã kiếm được từ công việc của mình.

Vậy nên đầu tư vào đâu?

Câu trả lời chính là quỹ đầu tư.

Quỹ đầu tư là gì?

Quỹ đầu tư là một sản phẩm của công ty quản lý quỹ, nhằm huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư khác nhau.

Sau đó, nguồn tiền này sẽ được Công ty quản lý quỹ mang đi đầu tư vào các tài sản khác như:

  • Cổ phiếu
  • Trái phiếu
  • Bất động sản,…

Điểm chung của những loại tài sản mà quỹ đầu tư thường đầu tư vào sẽ có lợi nhuận cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Lợi ích khi đầu tư vào Quỹ

Tôi tin rằng bạn sẽ cảm nhận rõ rệt những lợi ích mà quỹ đầu tư mang lại nếu như:

Bạn không có nhiều kinh nghiệm và thời gian

Đa phần có rất nhiều nhà đầu tư lao vào thị trường và tự mình mang tiền đi đầu tư dù không có nhiều kiến thức tài chính.

Họ đọc tin ở báo này một chút, hóng được ở hội nhóm kia một chút và được phím hàng bởi idol nào đó trên mạng xã hội.

Cuối cùng, họ quyết định đặt lệnh với hy vọng là mình sẽ giàu lên sau những lời hứa hẹn nghe có vẻ chắc cú.

Điều đó thực sự nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư vào các quỹ đầu tư…

Bạn sẽ không cần phải lo lắng vì dù không có nhiều thời gian và kiến thức thì cũng đã có các phân tích viên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thay bạn làm những đầu việc khó nhằn.

Vì sao?

Quỹ đầu tư được quản lý bởi công ty quản lý quỹ.

Và công ty này sẽ thuê các chuyên gia đầu ngành, các phân tích viên và các nhà đầu tư chuyên nghiệp về để phân tích cổ phiếu, nghiên cứu thị trường và làm sao để tìm ra những nơi gửi tiền có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất.

Tôi tin rằng người đã từng dành nhiều năm để học về tài chính và họ đã dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày để làm công việc phân tích thì chắc chắn không phải bàn về lượng kiến thức.

Lợi nhuận tương đối cao

Đến đây, tôi sẽ cho các bạn xem kết quả lợi nhuận của một vài quỹ đầu tư dưới hình:

Kết quả tăng trưởng lợi nhuận của một số quỹ đầu tư trong 3 năm gần nhất
Nguồn Fmarket

Kết quả nói lên tất cả, việc đầu tư vào quỹ đã giúp nhiều nhà đầu tư cá nhân không cần làm gì nhiều nhưng lợi nhuận nhận được tương đối tốt.

Giảm thiểu rủi ro?

Warrent Buffet từng nói:

“Do not put all eggs in one backet.”

Nghĩa là đừng bỏ hết trứng vào một giỏ.

Đừng bao giờ bỏ trứng vào một giỏ

Hàm ý của câu nói đó chính là khuyên chúng ta khi đầu tư, đừng bao giờ dồn hết toàn bộ tiền mình có vào duy nhất một loại tài sản duy nhất dù là vàng, bạc, cổ phiếu, hay thậm chí là cả quỹ đầu tư tuy rủi ro thấp hơn nhưng cũng nên như vậy.

Vì sao?

Vì đầu tư luôn có rủi ro và đã là rủi ro thì chắc chắn sẽ có thể mất tiền mà thị trường thì luôn luôn biến động.

Thử nghĩ xem.

Nếu như bạn đang có một cục tiền và bạn dồn hết để mua vào một cổ phiếu duy nhất.

Trong trường hợp đẹp nhất, sau vài tháng cổ phiếu đó lãi 30%.

Lúc đó bạn sẽ cảm thấy cực kỳ, cực kỳ vui.

NHƯNG

Đẹp có thì xấu cũng ra đời, lợi nhuận thì luôn đi kèm với rủi ro.

Cổ phiếu đó hoàn toàn có thể bị lỗ vài chục phần trăm chỉ sau vài tháng và thậm chí là có thể mất hết chỉ sau vài năm.

Nếu mọi chuyện xảy ra như vậy thì sao…

… Bạn sẽ cảm thấy rất buồn.

Phải không?

Trong đầu tư, mọi chuyện đều có thể xảy ra và bạn cần phải kiểm soát và hạn chế rủi ro.

Có một sự thật là các công ty quản lý quỹ không thể mang 100% toàn bộ số tiền mà quỹ đầu tư đã huy động được và đầu tư hết vào một cổ phiếu duy nhất…

… và tỷ trọng cao nhất mà quỹ có quyền đầu tư vào một cổ phiếu là 10%

Đây là ví dụ về các khoản đầu tư lớn của quỹ đầu tư DCDS tại ngày 28/2/2023:

Cổ phiếu Nhóm ngành Sàn giao dịch Tỉ trọng NAV (%)
VCB Ngân Hàng Ho Chi Minh 9,2
PNJ Bán Lẻ Ho Chi Minh 4,7
FPT Phần Mềm & Dịch Vụ Phần Mềm Ho Chi Minh 4,4
BID Ngân Hàng Ho Chi Minh 4,2
MWG Bán Lẻ Ho Chi Minh 3,6
PVS Năng Lượng Hanoi Equities 3,5
VPB Ngân Hàng Ho Chi Minh 3,5
STB Ngân Hàng Ho Chi Minh 3,3
PVD Năng Lượng Ho Chi Minh 3,1
HPG Vật Liệu Ho Chi Minh 2,8
Tổng cộng 42,2

Bạn thấy đấy…

Có phải rất khó để kiếm ra một cổ phiếu có tỷ trọng chiếm tới 10% không? đa phần các cổ phiếu mà quỹ này đầu tư giao động từ 2 – 3%.

Quỹ đầu tư luôn đa dạng hóa danh mục bằng cách đầu tư vào nhiều cổ phiếu khác nhau với từng tỷ trọng khác nhau.

Và khi bạn đầu tư vào quỹ (tức là mua chứng chỉ quỹ do công ty quản lý quỹ phát hành) thì bạn sẽ gián tiếp sở hữu số cổ phiếu mà quỹ đầu tư đang có,

Không phải tự nhiên mà các quỹ lại đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Bởi vì họ hiểu rất rõ…

Nếu như cổ phiếu này giảm sâu thì ít nhất vẫn còn những cổ phiếu khác sẽ tăng trưởng và giúp tổng tài sản của quỹ đầu tư không bị biến động một cách đột ngột.

Chính vì lẽ đó mà khi bạn đầu tư vào quỹ thì rủi ro bạn phải gánh chịu sẽ thấp hơn so với khi bạn tự tay đầu tư.

Lợi nhuận thì luôn đi kèm với rủi ro và…

…Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận bạn nhận về từ quỹ đầu tư cũng “có thể” thấp hơn.

Do vậy, quỹ đầu tư sẽ là kênh đầu tư rất phù hợp với người chưa có nhiều kinh nghiệm và không có nhiều thời gian nghiên cứu trong thị trường này.

Tại Simplize có danh sách tổng hợp một vài loại quỹ đầu tư, bạn có thể vào đây để xem những thông tin quan trọng như:

  • Thông tin Quỹ: Tổ chức phát hành,
  • Rổ cổ phiếu mà quỹ đầu tư
  • Tỷ trọng ngành nghề
  • Hiệu quả sinh lời

Tính minh bạch được đề cao

Để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, so với các loại hình tổ chức khác thì quỹ đầu tư chịu sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều…

Dưới sự giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước, ngân hàng giám sát độc lập thì hàng năm báo cáo tài chính của quỹ phải được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập.

Ví dụ như quỹ đầu tư DCDS.

Tăng trưởng quỹ đầu tư DCDS từ 2017-2022

Định kỳ, ngoài ý kiến của kiểm toán viên được trình bày rõ trên báo cáo tài chính thì Ngân hàng giám sát còn công bố bản báo cáo như sau:

Định kỳ ngân hàng giám sát sẽ gửi báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Quỹ đầu tư

Bản báo cáo này sẽ ghi rõ tình hình hoạt động của quỹ có bị vi phạm quy định các văn bản pháp luật hay không.

Phân loại các loại quỹ đầu tư hiện nay

Để tìm kiếm được một nơi gửi tiền phù hợp với bản thân là điều không hề dễ.

Trước tiên bạn cần biết quỹ đầu tư có bao nhiêu loại và đặc điểm mỗi loại như thế nào đã.

Giờ thì chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết nhé.

#1. Dựa vào cấu trúc vận động vốn

Quỹ đầu tư được chia làm 2 loại:

1 – Quỹ đóng:

Chỉ phát hành chứng chỉ quỹ 1 lần duy nhất với số lượng cố định và có thời gian đầu tư khá dài từ 5 – 10 năm (thậm chí có thể hơn).

Công ty quản lý quỹ sẽ không mua lại chứng chỉ quỹ sau khi phát hành.

Sau khi huy động vốn thành công (tức là họ đã bán hết chứng chỉ quỹ) thì nhà đầu tư phải đợi tới khi quỹ kết thúc đầu tư thì quỹ mới trả lại tiền.

Chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán và được giao dịch như một cổ phiếu.

Nếu bạn muốn đầu tư hoặc muốn rút khỏi quỹ trong thời gian quỹ đang mang tiền đầu tư thì chỉ có cách giao dịch trên sàn chứng khoán.

2 – Quỹ mở:

Ngược lại với quỹ đóng:

Quỹ đầu tư dạng mở linh hoạt hơn rất nhiều và thời gian hoạt động là vô thời hạn

Không giới hạn số lượng chứng chỉ quỹ họ có thể phát hành, tức là nếu bạn muốn đầu tư quỹ thì chứng chỉ quỹ sẽ được phát hành thêm.

Nếu bạn muốn rút khỏi quỹ thì chỉ cần bán, công ty quản lý quỹ buộc phải mua lại số chứng chỉ quỹ mà quỹ đầu tư đã phát hành và bán cho bạn.

Chứng chỉ quỹ của quỹ mở không được niêm yết trên thị trường chứng khoán và bạn chỉ có thể giao dịch mua bán trực tiếp với công ty quản lý quỹ.

#2. Dựa vào nguồn vốn huy động

Quỹ đầu tư được chia làm 2 loại:

1 – Quỹ công chúng

Quy mô huy động vốn rộng rãi.

Dễ dàng tham gia dù là nhà đầu tư cá nhân hay các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Chi phí để được tham gia vào dạng quỹ đầu tư này thường không lớn.

2- Quỹ thành viên

Ngược lại với quỹ công chúng:

Quy đầu tư dạng thành viên có quy mô gọi vốn hẹp hơn và bị giới hạn về số lượng thành viên.

Người có thể tham gia đầu tư quỹ này thường được người quen giới thiệu nên sẽ khá khó nếu bạn muốn đầu tư vào.

Chi phí đầu tư thường rất lớn.

#3. Dựa vào hình thức tổ chức

Quỹ đầu tư được chia làm 2 loại:

1 – Quỹ dạng công ty

Quỹ được hình thành như một tổ chức độc lập có tư cách pháp nhân tức là quỹ giống như một công ty được hình thành theo quy định của pháp luật.

Người góp vốn tư vào quỹ được xem như một cổ đông và có quyền bầu ra cơ quan điều hành cao nhất là hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị sẽ phải lựa chọn công ty quản lý quỹ và họ có trách nhiệm giám sát hoạt động đầu tư của công ty đó và được nhiên, hội đồng quản trị có quyền thay đổi công ty quản lý quỹ bất cứ lúc nào.

2 – Quỹ dạng hợp đồng

Ngược lại với quỹ dạng công ty:

Quỹ đầu tư dạng hợp đồng không phải là một pháp nhân mà được thành lập bởi công ty quản lý quỹ.

Người góp vốn vào quỹ không có quyền hạn như một cổ đông mà sẽ uỹ thác cho công ty quản lý quỹ….

… và công ty quản lý quỹ sẽ toàn quyền quyết định việc đầu tư của quỹ và thực hiện theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ quỹ.

Với quỹ đầu tư dạng quỹ nhà đầu tư

Và đó là toàn bộ những loại quỹ mà bạn cần biết.

Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm trên google hay youtube thì chỉ có quỹ mở và quỹ đóng được chia sẻ rất nhiều.

Bạn có biết vì sao không?

Vì quỹ mở và quỹ đóng là hai khái niệm nền tảng bạn cần nắm vững để hiểu rõ về quỹ đầu tư.

Cách thức hoạt động của Quỹ đầu tư

Về cơ bản, Quỹ đầu tư hoạt động theo 3 bước như sau:

Bước 1: Huy động vốn

Nhà đầu tư sẽ mua chứng chỉ quỹ do chính Công ty quản lý quỹ phát hành.

Bước 2: Đầu tư

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của công ty quản lý quỹ tiến hành phân tích thị trường, sau đó đầu tư vào các tài sản (chứng khoán, bất động sản, trái phiếu hoặc cổ phiếu) để sinh lời, gia tăng giá trị tài sản.

Số tiền đã huy động sẽ được công ty quản lý quỹ mang đi đầu tư vào các tài sản mà đội ngũ chuyên gia đã nghiên cứu và phân tích.

Điểm chung của các tài sản đó thường có khả năng sinh lời cao hơn tiền gửi ngân hàng như:

  • Trái phiếu (chứng khoán nợ)
  • Cổ phiếu (chứng khoán vốn)
  • Bất động sản…

Dưới đây là tỷ trọng danh mục tài sản của một quỹ đầu tư bạn có thể tham khảo:

Tỷ trọng danh mục tài sản của một quỹ đầu tư

Bước 3: Định giá, phát hành và mua lại chứng chỉ

Thực tế, để định giá chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư không hề khó.

Chỉ cần bạn nắm rõ kiến thức mà tôi sắp chia sẻ thì tôi tin rằng bạn hoàn toàn có thể tự tính được giá chứng chỉ quỹ (cụ thể là quỹ mở).

Tại sao chỉ có thể tính giá chứng chỉ quỹ của quỹ mở thì tí nữa tôi sẽ chia sẻ kĩ hơn.

Đầu tiên, đến với quỹ đầu tư dạng đóng.

Ở phần trên, tôi đã chia sẻ rất kĩ rằng sau khi quỹ đóng chính thức ngừng huy động vốn thì chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vậy giá chứng chỉ quỹ mang đi niêm yết là bao nhiêu?

Câu trả lời chính là:

Giá mỗi chứng chỉ quỹ = Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV)/ Tổng số chứng chỉ quỹ đã phát hành (CCQ)

Ví dụ:

  • Số chứng chỉ quỹ được phát hành: 50
  • Tổng giá trị tài sản ròng: 50,000,000
  • Giá mỗi chứng chỉ quỹ sẽ là: 50,000,000/50 = 1,000,000

Và cũng vì chứng chỉ quỹ được niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho nên nó được giao dịch không khác gì một cổ phiếu.

Mà bạn cũng biết rồi đấy…

…giá cổ phiếu luôn bị tác động bởi yếu tố cung cầu cho nên sau khi chứng chỉ quỹ được niêm yết trên sàn thì chắc chắn giá của nó cũng sẽ bị biến động.

Ví dụ:

Bạn đầu tư vào quỹ đóng thành công và sở hữu 1 chứng chỉ quỹ với giá vốn là 1,000,000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi chứng chỉ quỹ được niêm yết thì lượng người muốn bán chứng chỉ quỹ nhiều hơn số người muốn mua chứng chỉ quỹ…

…Lượng cung > lượng cầu -> giá chứng chỉ quỹ giảm

Ngược lại, nếu số người muốn mua chứng chỉ quỹ quá nhiều trong khi số người muốn bán thì rất ít ỏi.

Chính sự chênh lệch giữa lượng cung và lượng cầu quá lớn khiến cho giá chứng chỉ quỹ tăng mạnh.

Tóm lại, điều tôi muốn truyền tải đến bạn ở đây là giá chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư dạng đóng phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường và giá trị chứng chỉ quỹ biến động không khác gì một cổ phiếu.

Thứ hai là quỹ mở,

Với quỹ mở thì để xác định giá của chứng chỉ quỹ đơn giản hơn rất nhiều, cụ thể:

Giá chứng chỉ quỹ = Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV)/ Tổng số chứng chỉ quỹ đã phát hành (CCQ)

Ví dụ:

Ví dụ cách xác định giá của chứng chỉ quỹ

  • Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ là 124,360,000
  • Số lượng chứng chỉ quỹ được phát hành là 10,000
  • Giá trị mỗi chứng chỉ quỹ = 124,360,000/10,000 = 12,436

Theo như tôi được biết, khi giao dịch chứng chỉ quỹ thì sẽ phát sinh một loại phí gọi là phí giao dịch.

Bạn sẽ phải chịu các khoản phí khác nhau nếu như bạn đầu tư vào các loại quỹ khác nhau (các loại quỹ thuộc quỹ mở).

Do đó, trước khi đầu tư bạn cần phải xác định toàn bộ các loại phí này một cách rõ ràng.

Vì sao?

Vì nó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của bạn và…

Phí giao dịch cũng là một phần chi phí bạn cần cộng vào khi tính giá chứng chỉ quỹ.

Cụ thể:

Sau khi tính được giá mỗi chứng chỉ quỹ = Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV)/ Tổng số chứng chỉ quỹ đã phát hành (CCQ)

Thì bạn còn cần phải cộng vào đó một khoản phí gọi là phí giao dịch.

Kết quả cuối cùng sẽ như này:

Giá mỗi chứng chỉ quỹ = Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV)/ Tổng số chứng chỉ quỹ đã phát hành (CCQ) + Phí giao dịch

Ví dụ như quỹ cổ phiếu, phí giao dịch bao gồm:

  • Phí phát hành chứng chỉ quỹ (Phí mua): Phát sinh khi bạn mua chứng chỉ quỹ.
  • Phí mua lại chứng chỉ quỹ (Phí bán): Phát sinh khi bạn bán chứng chỉ quỹ và loại phí này thường không cố định và giảm dần theo thời gian, có nghĩa là nếu bạn nắm giữ chứng chỉ quỹ càng lâu thì số phí phải trả càng thấp, thậm chí là về 0.
  • Phí quản lý quỹ: bạn sẽ phải trả hàng năm cho công ty quản lý quỹ.

Ví dụ:

Phí giao dịch quỹ cổ phiếu

Với quỹ DCDS bạn sẽ chịu:

  • Phí quản lý hàng năm là 2%
  • Và nếu như bạn bán trước 2 năm thì phải chịu từ 0,5% – 2,5% phí nữa.
  • Còn phí mua thì 0đ.

Còn với quỹ đầu tư trái phiếu thì sao?

Tương tự như quỹ cổ phiếu bạn sẽ phải chịu 3 loại phí sau:

  • Phí phát hành (Phí mua): Phát sinh khi bạn mua chứng chỉ quỹ (đầu tư vào quỹ) nhưng phí mua ở quỹ trái phiếu sẽ không cố định như phí mua của quỹ cổ phiếu mà tuỳ thuộc vào số vốn đầu tư của bạn và mức phí sẽ khác nhau.
  • Phí mua lại chứng chỉ quỹ (Phí bán): tương tự như quỹ cổ phiếu
  • Phí quản lý quỹ: tương tự như quỹ cổ phiếu

Ví dụ:

Phí giao dịch quỹ trái phiếu

Quỹ trái phiếu BVBF:

  • Phí quản lý quỹ hàng năm: 0,5%
  • Tuỳ vào số tiền bạn đầu tư và phí mua sẽ giao động từ 0,15% – 0,3%
  • Còn phí bán thì bạn sẽ phải chịu 0,3% nếu bán trước 6 tháng

Rất nhiều nhà đầu tư đã vô tình bỏ qua và không tìm hiểu kỹ càng các loại phí này khi chọn quỹ đầu tư là kênh tích luỹ tài sản.

Kết cục…

Sau khi giao dịch bán chốt lời các chứng chỉ quỹ thành công thì cũng không hiểu vì sao giá trị tài sản bị sụt giảm hay lợi nhuận mình thu về bị trừ nhiều như vậy.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói:

Quy tắc thứ nhất: Không được để mất tiền.

Quy tắc thứ hai: Không được quên Quy tắc thứ nhất.

Ok…Tôi hiểu, tôi hiểu là để làm được theo câu nói này rất khó.

Tuy nhiên, dù khó cũng phải cố gắng vì đơn giản chúng ta đang mang tiền đi đầu tư và…

…Với những khoản làm giảm lợi nhuận như phí giao dịch, bạn có thể kiểm soát và cắt giảm được thì cần phải đặc biệt chú ý.

Cách đầu tư vào Quỹ đơn giản nhất

Cách đầu tư vào quỹ đầu tư

1 – Đối với quỹ đóng

Quỹ đóng được giao dịch trên các sàn chứng khoán nên để đầu tư vào loại quỹ này bạn cần có tài khoản chứng khoán.

Mặc dù, đến thời điểm hiện tại chưa có quỹ đóng nào được giao dịch ở thị trường Việt Nam nhưng tôi sẽ cố gắng mô tả cách đầu tư vào quỹ đóng sát nhất có thể vì…

Nếu tương lai thị trường Việt Nam xuất hiện quỹ đóng thì bạn hoàn toàn có thể đầu tư được.

4 bước để đầu tư vào quỹ đóng:

Bước 1: Mở tài khoản chứng khoán tại đây.

Bước 2: Nạp tiền vào tài khoản chứng khoán

Bước 3: Tìm và chọn quỹ đầu tư

Bước 4: Đặt lệnh giao dịch

2 – Đối với quỹ mở

Để đầu tư vào quỹ mở bạn cần thực hiện 5 bước như sau:

Bước 1: Tải ứng dụng fmarket về điện thoại

Bước 2: Mở tài khoản giao dịch

Bước 3: Thực hiện giao dịch bằng cách chọn quỹ đầu tư bạn muốn mua

Bước 4: Đặt lệnh giao dịch

Bước 5: Chuyển tiền đầu tư

Lựa chọn công ty quản lý Quỹ đầu tư có độ uy tín cao

Khác với đầu tư trực tiếp, một khi bạn đã chọn đầu tư thông qua quỹ đầu tư thì toàn bộ quyền quyết định đều nằm trong tay của công ty quản lý quỹ.

Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà bạn có thể nhận được.

Tôi cho rằng khi đã chọn đầu tư gián tiếp thì công ty quản lý quỹ là yếu tố quan trọng nhất…

… và nó sẽ quyết định bạn có đầu tư thành công hay không.

Vì sao?

Các quỹ đầu sẽ có chiến lược đầu tư khác nhau cho nên tỷ suất sinh lợi cũng sẽ khác nhau do tỷ trọng các loại tài sản trong danh mục của các quỹ không giống nhau.

Trong khi đó, chiến lược đầu tư của quỹ sẽ do công ty quản lý quỹ quyết định do vậy…

…Có 6 yếu tố quan trọng mà tôi cho rằng bạn không nên bỏ qua khi xác định mức độ uy tín của một công ty quản lý quỹ:

  • Thông tin về quỹ đầu tư được công khai rõ ràng và minh bạch
  • Hồ sơ lý lịch của đội ngũ lãnh đạo
  • Chiến lược đầu tư của quỹ
  • Lợi nhuận đạt được tính đến thời điểm hiện tại: để đánh giá hiệu quả của chiến lược trên.
  • Quỹ mô vốn của quỹ: nếu quy mô vốn quỹ đầu tư càng lớn thì càng có nhiều nhà đầu tư tin tưởng.
  • Lịch sử hoạt động của quỹ: ít nhất từ 3 – 5 năm

Hướng dẫn đầu tư hiệu quả vào Quỹ đầu tư

Đầu tư không đơn thuần là chỉ bỏ tiền vào một cách cảm tính mà đó là một quá trình kiên trì, kỷ luật với những quy tắc đầu tư mà chính mình đã đặt ra.

Tận dụng sức mạnh của DCA

Bạn có biết?

DCA (Dollar-cost Averaging) hay còn gọi là chiến lược bình quân giá. Với chiến lược này, nhà đầu tư sẽ chia nhỏ số vốn và đầu tư theo dạng định kỳ.

Tận dụng sức mạnh của DCA

Tôi cho rằng chiến lược này rất phù hợp với những ai muốn đầu tư vào quỹ.

Tại vì sao?

Vì DCA sẽ giúp nhà đầu tư:

  • Tiết kiệm thời gian theo dõi diễn biến thị trường.
  • Giảm thiểu rủi ro cháy tài khoản.
  • Giảm áp lực phải mua đáy, bán đỉnh.
  • Lợi nhuận về dài hạn tương đối ổn.

Do vậy, với chiến thuật này thì có 3 lời khuyên tôi muốn gửi gắm đến bạn:

  • Hãy coi quỹ đầu tư là nơi tích luỹ với tầm nhìn dài hạn.
  • Nên đầu tư định kỳ.
  • Hãy mạnh tay hơn khi thị trường đang giảm giá.
  • Nếu thị trường tăng nóng thì nên rút một phần hoặc rút hết (lời khuyên này không dành cho tất cả mọi người).

Còn giờ thì…

…Tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về chiến lược này thông qua 2 kịch bản sau:

Kịch bản 1:

Bạn quyết định đầu tư vào quỹ với số tiền cố định là 2 triệu đồng vào ngày 15 hàng tháng, bất chấp thị trường có diễn biến như thế nào.

Cụ thể như sau:

Lợi nhuận DCA kịch bản 1

Kịch bản 2:

Bạn quyết định đầu tư vào quỹ vào ngày 15 hàng tháng. Tuy nhiên, nếu:

  • Thị trường giảm mạnh: bạn sẽ chi mạnh tay đầu tư 4 triệu để tranh thủ gom hàng.
  • Còn nếu thị trường tăng mạnh, hoặc diễn biến đi ngang thì sẽ đầu tư 2 triệu.

Cụ thể như sau:

Lợi nhuận DCA quỹ đầu tư kịch bản 2

Nhìn vào 2 kịch bản trên, bạn thấy điều gì?

Đầu tiên, nhờ DCA bạn đã có thể phân bổ vốn ở nhiều mức giá, điều mà đầu tư một lần duy nhất hoặc lâu lâu đầu tư một lần không thể nào làm được vì…

…Nếu đầu tư một cục rơi vào giá 20,000 thì sao?

Có phải bạn phải chi hẳn 20,000 cho 1 chứng chỉ quỹ thay vì xấp xỉ 15,000.

Đúng không? Cực kỳ rủi ro khi đầu tư vào Quỹ như vậy.

Thứ hai, điều mà bạn thấy thông qua kịch bản thứ 2 có phải:

  • Kịch bản 2 giúp bạn mua được nhiều chứng chỉ quỹ hơn so với kịch bản 1.
  • Mang về nhiều lợi nhuận hơn (Gần 3 triệu) chỉ với một thay đổi nhỏ.
  • Giá trung bình của 1 chứng chỉ quỹ rẻ hơn kịch bản 1 “một chút”.

Tuy nhiên, để được “một chút” này cũng không phải là chuyện dễ. Nó đã mang về mức lợi nhuận chênh lệch là 3 triệu đấy.

Trong đầu tư, “một chút” luôn tạo nên kỳ tích dù là tích cực hay tiêu cực.

Nhìn vào 2 bảng trên,nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy:

  • Giá chứng chỉ quỹ tăng thì bạn sẽ mua được ít chứng chỉ quỹ hơn
  • Giá chứng chỉ quỹ giảm thì bạn sẽ mua được nhiều chứng chỉ quỹ hơn.

Đúng không?

Thị trường luôn luôn biến động, nay tăng, mốt giảm là điều bình thường. Và chúng ta rất khó để dự đoán được trước.

Do đó, với những ai không có nhiều thời gian nghiên cứu thị trường thì hãy theo sát thị trường, có nghĩa là…

…Hãy đầu tư định kỳ để bạn có thể sở hữu chứng chỉ quỹ ở mọi giá và danh mục của bạn sẽ bớt rủi ro hơn.

Nhìn dưới hình bạn sẽ hiểu DCA đầu tư định kỳ theo sát thị trường là như thế nào.

DCA quỹ đầu tư định kỳ là theo sát thị trường

Vậy nên…

…Đừng quan tâm “quá nhiều” đến thị trường.

Hãy tranh thủ những lúc thị trường đi xuống để gom thật nhiều chứng chỉ quỹ. Vì đây là thời điểm vàng giúp bạn tích luỹ tài sản để đợi đến ngày “một chút” xuất hiện.

Warren Buffett từng nói:

“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam.”

Nếu tầm nhìn của bạn được tính bằng vài năm thì tôi tin rằng bạn sẽ thấy đầu tư vào quỹ với chiến lược này khá hiệu quả.

Thị trường giảm mạnh thì gom…

Làm gì khi thị trường tăng trưởng nóng

Lúc này sẽ có 3 lựa chọn dành cho bạn:

  • Một là tiếp tục giữ và DCA mạnh tay.
  • Hai là chốt lời một phần
  • Ba là bán toàn bộ chứng chỉ quỹ

Với 3 lựa chọn trên thì tôi cho rằng lựa chọn thứ nhất là dễ nhất làm theo nhất và phù hợp với đa số người mới chưa có nhiều kinh nghiệm.

Để rồi đến một thời điểm nào đó, bạn đã nhạy bén hơn với thị trường thì chuyển qua lựa chọn 2 và 3 sẽ bớt khó một chút.

Còn lý do vì sao thì…

Cùng tôi phân tích qua kịch bản với số liệu thực tế nhé!

Kịch bản của chúng ta bây giờ là:

Vào tháng 1 năm 2017, ông An quyết định đầu tư vào quỹ DCDS định kỳ hàng tháng với số tiền cố định là 2.000.000 đồng. Bất kể thị trường có ra sao.

Và đây là diễn biến giá của quỹ đầu tư DCDS trong khoảng thời gian từ 2017 – 2021.

Tăng trưởng quỹ đầu tư DCDS từ 2017-2021

Sau 5 năm đầu tư ông An đã đạt mức sinh lợi như sau:

Số lần đầu tư 53 lần
Tổng số tiền đầu tư 106,000,000
Số chứng chỉ quỹ 2704
NAV 1/12/2021 210,478,975
Lợi nhuận 99%

Lợi nhuận gần 100% sau 5 năm kiên trì DCA vào quỹ đầu tư, bạn thấy kinh khủng không?

Trung bình 1 năm bạn lời 20%…

Con số mà gửi ngân hàng không thể cho bạn được.

Dù trong khoảng thời gian đó, bạn chỉ cần DCA vào quỹ đầu tư với số tiền 2 triệu hàng tháng mà chẳng cần dành “quá nhiều” thời gian để phân tích cổ phiếu hay nghiên cứu thị trường gì cả.

Nhưng…

Để đạt được con số lợi nhuận này, ông An đã dành tận 5 năm liên tục để DCA vào quỹ đầu tư và chọn được điểm mua khi giá còn dưới 30,000 đồng và chốt lời vào cuối năm 2021.

Nhưng chắc gì chốt lời ở cuối năm 2022 đã phải là quyết định đúng, lỡ đâu qua năm 2022 thị trường lại tiếp tục tăng trưởng thì sao? Chúng ta hoàn toàn không biết trước được.

Bạn có đồng ý với tôi không?

Cách chọn được điểm mua và điểm chốt lời

Nếu bạn chưa từng đầu tư, chưa có kinh nghiệm ở thị trường này thì thời điểm tốt bạn nên đầu tư chính là ngày hôm nay.

Tôi chia sẻ thật lòng đấy!

Vì sao?

Khi bạn chưa có kinh nghiệm thì bất kỳ điểm mua nào cũng đều tốt cả.

Ngay cả khi, bạn mua đúng đỉnh vẫn tốt. Vì sau đó chính là thời điểm tuyệt vời để bạn có thể gom chứng chỉ quỹ với giá rẻ hơn rất nhiều.

Tất nhiên, càng mua bạn sẽ càng lỗ nhưng những bài học mà bạn nhận được về từ khoảng thời gian này thực sự rất đáng giá. Đặc biệt là…
…Bạn sẽ cảm nhận về thị trường rõ hơn.

Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp bạn đầu tư thành công hơn trong tương lai.

Và bạn cũng đừng quá lo khi thấy tài khoản của mình đỏ liên tục vì đã có sức mạnh của DCA, bạn sẽ không bị cháy tài khoản đâu vì thị trường về dài hạn sẽ luôn tăng trưởng.

Còn điểm bán thì sao?

Khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, dù là cổ phiếu A, trái phiếu B hay là quỹ đầu tư C, thậm chí là bạn đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản,… Tôi có điều muốn nói với bạn:

Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng phải bán được giá cao ở đỉnh.

Vì sao?

Điều đó cực kỳ khó và ngay cả khi bạn đã trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Để đầu tư hiệu quả là phải sinh lời nhưng để sinh lời hiệu quả thì phụ thuộc rất nhiều vào mức sinh lời kỳ vọng của bạn.

Vì mỗi người sẽ có mức sinh lời kỳ vọng khác nhau.

Do vậy, bước đầu tiên bạn cần làm để có được điểm bán tốt đó chính là xác định mức sinh lời kỳ vọng.

Hành trình đầu tư vào quỹ là một hành trình dài và cực kỳ gian nan.

Trong quá trình đó bạn sẽ phải trải qua rất nhiều khung bậc cảm xúc…

Biểu đồ tâm lý đầu tư chứng khoán

…quan trọng là bạn có đủ kiên trì và mạnh mẽ khi đối mặt với chúng hay không.

Tôi cho rằng, có 2 lý do để bạn có thể bán:

  • Bạn đã đạt được mục tiêu tích lũy.
  • Thị trường tăng trưởng quá nóng.

Với lý do thứ nhất thì quá đơn giản rồi và tôi nghĩ rằng mình cũng không cần bàn luận gì thêm.

Nhưng với lý do thứ hai thì không hề đơn giản chút nào, đặc biệt là với những ai mới bước chân vào thị trường.

Khi bạn chưa hình dung được quy luật vận hành trong thị trường thì sẽ khó để nhận biết “tăng trưởng quá nóng” là như thế nào.

Nếu bạn muốn biết cách để “hình dung” được nó thì chỉ có cách là dấn thân.

Chính vì thế, hãy đầu tư ngay hôm nay.

Dù bạn có đầu tư phải giá tại đỉnh thì khoảng thời gian sau đó bạn sẽ “rõ hơn” như thế nào là thị trường tăng trưởng “quá nóng”.

Để rõ hơn, bạn có thể nhìn vào trường hợp thực tế dưới đây.

Đây là biểu đồ tăng trưởng của quỹ đầu tư DCDS từ 2017 – 2022:

Tăng trưởng quỹ đầu tư DCDS từ 2017-2022

Bạn thấy điều gì?

Nếu bạn mới tham gia vào thị trường và may mắn chọn quỹ đầu tư là nơi gửi gắm tiền khi giá chứng chỉ quỹ là 28,147 đồng và 29,765 đồng thì bạn sẽ thu về một khoản lời ngay sau đó.

Nhưng nếu bạn đầu tư vào giá chứng chỉ quỹ là 48,260 đồng và 77,715 đồng thì có phải bạn sẽ chịu một khoản lỗ hay không.

Lời thì vui, lỗ thì cũng cứ bình tĩnh và tận hưởng.

Tôi cho rằng, cũng đừng quá buồn nếu mình “lỡ” chọn điểm đầu tư vào quỹ đầu tư đúng ngay 2 giá đỉnh đó vì…

Khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm mà đã may mắn đầu tư vào quỹ khi giá tạo đáy thì cũng không khác trúng số độc đắc là mấy.

Và tất nhiên, khả năng cao bạn sẽ phải trả giá rất nhiều ngay sau đó…

… Thậm chí là nhiều hơn so với việc bạn chọn đúng mua quỹ đầu tư ngay đúng đỉnh.

Nhưng…

… cũng đừng quá lo lắng, nếu tầm nhìn của bạn càng xa thì việc thua lỗ chỉ là ngắn hạn thôi.

Bạn có thắc mắc, nếu ông An đầu tư từ 2017-2022 mà không hề chốt lời thì danh mục của ông An sẽ như thế nào không?

Hmm… lợi nhuận gần 30%

Số lần đầu tư vào quỹ đầu tư 60 lần
Tổng số tiền đầu tư 120,000,000
Số chứng chỉ quỹ 2928.829568
NAV 1/12/2022 154,650,636
Lợi nhuận 29%

Đúng vậy, danh mục của ông An đã sinh lời 29% nhờ liên tục DCA vào quỹ đầu tư, do vậy việc chưa kịp chốt lời vẫn mang đến cho ông An một khoản sinh lời “khiêm tốn” nếu so với tỷ suất sinh lời của khoản đầu tư từ năm 2017-2021.

Vậy nên, ông An xem việc đầu tư vào quỹ là dài hạn thì tôi tin đây là khoảng thời gian vàng giúp ông An gom được nhiều hàng với giá rẻ hơn và để sẵn sàng…

…Chờ con sóng mới.

Chính vì thế, bước thứ 2 để đầu tư hiệu quả đó là hãy xác định quỹ đầu tư là kênh để đầu tư dài hạn. Để rồi khi thị trường dạy bạn đủ khôn, bạn sẽ có những quyết định chốt lời khi thị trường tăng nóng một cách đúng đắn hơn.

Kết luận

Hãy chọn quỹ đầu tư nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm và rất cần một người giúp việc trong chuyện đầu tư ở thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, có rất nhiều loại quỹ đầu tư khác nhau nhưng bạn chỉ cần tìm hiểu quỹ đầu tư dạng mở là được rồi. Hãy kiên trì với chiến lược DCA và đầu tư vào quỹ với tầm nhìn dài hạn. Và tôi tin rằng, bạn sẽ đầu tư thành công bằng chiến lược này với tâm thế như sau:

  • Không nên quan tâm “quá nhiều” đến thị trường.
  • Nếu thị trường đi lên thì coi như các khoản đầu tư từ trước có lãi và
  • Ngược lại nếu thị trường đi xuống thì coi như mình có cơ hội mua chứng chỉ quỹ với giá rẻ hơn và nên đầu tư mạnh tay hơn.
  • Hãy mua chứng chỉ quỹ để tăng giá trị tài sản ròng quỹ đầu tư ngay hôm nay vì không có thời điểm nào là hoàn hảo.

Thị trường trong ngắn hạn sẽ có xu hướng giảm còn về dài hạn sẽ tăng và theo thời gian, khi thị trường dạy bạn đủ khôn, tự khắc bạn sẽ biết cách chốt lời.

Và chính trong khoảng thời gian đó, hãy tận dụng sức mạnh của DCA, nó sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro khi đầu tư vào quỹ đầu tư.

Cuối cùng, nếu bạn có ý định chốt lời hoặc thấy thị trường tăng trưởng quá nóng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng một vài chỉ báo trong phân tích kỹ thuật để củng cố cho quyết định của bạn.

Bonus thêm một vài kiến thức thú vị:

Chia sẻ bài viết

Vân Anh Đào

Vân Anh là một bạn trẻ rất yêu thích và đam mê đầu tư chứng khoán. Bạn đã có kinh nghiệm đầu tư thực chiến gần 3 năm và nền tảng kiến thức tài chính chắc chắn, đặc biệt trong mảng đầu tư thụ động.

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668

undefined

Thợ săn cổ phiếu 2.0

Thị trường bùng nổ, cổ phiếu nào sẽ tăng+200% +300%trong năm 2024?