Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
5 sai lầm trong đầu tư chứng khoán (Làm bạn phá sản)

5 sai lầm trong đầu tư chứng khoán (Làm bạn phá sản)

Simplize team14/03/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Tại sao Warren Buffett lại thành công đến vậy trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán?

Theo ông, thành công không chỉ đến từ trí tuệ, mà còn từ khí chất – cách hành xử của mỗi nhà đầu tư khi đưa ra quyết định.

Phẩm chất quan trọng nhất của nhà đầu tư là khí chất, chứ không phải trí tuệ… Bạn cần một “loại” khí chất không bắt nguồn từ cảm xúc do đồng tình hay bất đồng với đám đông.

Và đó là điều quan trọng nhất.

Phản ứng cảm xúc của bạn đối với đám đông luôn là nguyên nhân chính làm bạn mắc những sai lầm nghiêm trọng khi đầu tư.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá 5 sai lầm trong đầu tư chứng khoán phổ biến nhất mà nhà đầu tư cá nhân thường mắc phải.

Con số thống kê cho thấy rằng:

Hơn 80% các nhà đầu tư mới thất bại trong năm đầu tiên của họ.

Vì vậy, tôi tin rằng, bạn sẽ cần phải hiểu và tránh những sai lầm này để trở thành một nhà đầu tư thành công.

Tại sao bạn thường mắc sai lầm khi đầu tư chứng khoán?

Việc mắc sai lầm trong đầu tư chứng khoán là điều thường thấy đối với bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào.

Từ kinh nghiệm của tôi, việc này hoàn toàn KHÔNG liên quan gì đến số tiền mà bạn đầu tư. Nghĩa là, bạn đầu tư 100 triệu hay 1 tỷ thì bạn vẫn có thể mắc những sai lầm như nhau.

Tại sao lại có điều này?

Thứ nhất: Bạn thiếu kiến thức và kinh nghiệm

Đầu tư chứng khoán vốn là một lĩnh vực rất phức tạp và đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, kinh doanh, phân tích thị trường…

Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư cá nhân lại tham gia đầu tư chứng khoán mà không có đủ kiến thức và kinh nghiệm.

Và một khi bạn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, bạn chắc chắn sẽ dễ mắc những sai lầm trong quá trình đầu tư.

Theo một nghiên cứu của đại học Stanford, chỉ có 14% số người tham gia đầu tư chứng khoán đã được đào tạo về tài chính trước khi tham gia đầu tư.

Thứ hai: Bạn theo đuổi lợi nhuận quá cao

Nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao và quên đi rằng đầu tư chứng khoán cũng có rủi ro rất cao.

Việc theo đuổi lợi nhuận quá cao sẽ khiến bạn dễ rơi vào tình trạng đầu tư không kiểm soát được rủi ro và từ đó, bạn sẽ dễ mắc phải các sai lầm khi ra quyết định.

Trong báo cáo của trang Business Insider, trong năm 2020, nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt mục tiêu lợi nhuận 50 – 100% khi đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ, dẫn đến thua lỗ nặng nề khi làn sóng cổ phiếu công nghệ hạ nhiệt.

Thứ ba: Bạn thiếu kế hoạch đầu tư

Thiếu kế hoạch đầu tư là một sai lầm trong đầu tư chứng khoán thường gặp của phần lớn nhà đầu tư cá nhân mà tôi từng nói chuyện.

Kế hoạch đầu tư giúp bạn xác định mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, thời gian đầu tư và các chiến lược đầu tư cụ thể.

Nếu không có kế hoạch đầu tư chi tiết, bạn dễ ra các quyết định 1 cách cảm tính. Chẳng hạn:

  • Chọn lọc cổ phiếu mà không có 1 tiêu chí cụ thể nào cả,
  • Mua cổ phiếu bừa bãi,
  • Bán cổ phiếu quá sớm hoặc quá muộn,
  • Đầu tư vào lĩnh vực mà không hiểu biết về nó và không cân nhắc được các yếu tố thị trường.

Ví dụ:

Đầu năm 2020, khi thị trường chứng khoán giảm sâu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư cá nhân không có kế hoạch đầu tư đã quyết định “bán tháo” cổ phiếu của mình, chấp nhật 1 khoản lỗ lớn.

Trong khi đó, nếu có 1 kế hoạch đầu tư rõ ràng, họ hoàn toàn có thể cơ cấu lại danh mục, mua được những cổ phiếu tốt với mức giá rất “hời” và tận dụng được làn sóng uptrend mạnh mẽ kéo dài đến giữa 2022.

Tất cả những yếu tố mà tôi vừa nhắc đến ở trên, về cơ bản, sẽ tác động đến TÂM LÝ HÀNH VI của bạn.

Trong đầu tư thì tâm lý hành vi là 1 trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của bạn.

Tâm lý hành vi trong đầu tư là gì?

Tâm lý học hành vi trong đầu tư đề cập đến nghiên cứu về cảm xúc và nhận thức của con người có thể ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư.

Đây là một lĩnh vực nghiên cứu đã thu hút được sự chú ý đáng kể trong những năm gần đây, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu các yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Simplize_Tâm lý hành vi trong đầu tư chứng khoán
Tâm lý học hành vi thực sự có thể gây ra sai lầm cho các nhà đầu tư

Những cảm xúc như sợ hãi, tham lam và quá tự tin… có thể khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định phi lý, dẫn đến việc ra quyết định sai lầm, tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư của họ.

Dưới đây là 5 biểu hiện tâm lý và cũng chính là 5 sai lầm trong đầu tư chứng khoán mà bạn thường gặp.

Note: Tôi cũng sẽ chia sẻ một vài tips giúp bạn kiểm soát những sai lầm này để đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn.

5 sai lầm trong đầu tư chứng khoán phổ biến nhất

#1. Tự tin thái quá (Overconfidence bias)

Biểu hiện & Dẫn chứng

Tự tin thái quá là một trạng thái tâm lý phổ biến của nhà đầu tư khi tin rằng mình đủ giỏi để “cân” được mọi tình huống.

Lúc này, nhà đầu tư sẽ có xu hướng giữ hoặc nói một quan điểm không đầy đủ, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác, hoặc không sẵn lòng tiếp nhận những thông tin mới.

Đặc biệt khi thông tin mới đó không thuận theo quan điểm cũ.

Xu hướng này khiến họ chấp nhận nhiều rủi ro hơn mức phù hợp, giao dịch thường xuyên hơn và sẵn sàng bỏ qua những thông tin trái ngược với “niềm tin” của họ. Không những vậy, họ sẵn sàng sử dụng margin mà không có bất kỳ 1 chiến lược cụ thể. Điều này dẫn đến khả năng thua lỗ đáng kể nếu khoản đầu tư không hoạt động như mong đợi.

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Tự tin thái quá

Ở thị trường Việt Nam, ví dụ rõ nét nhất đó là trường hợp của nhiều nhà đầu tư khi nghe theo lời khuyên của một nhân vật có nick-name “A7”.

Trong đợt tăng nóng của thị trường chứng khoán năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, A7 liên tục hô hào nhà đầu tư mua cổ phiếu bất động sản như DIG, CEO, L14 với giá mục tiêu 500,000 đồng.

Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, đã bị thu hút bởi sự tự tin của A7 và sự thành công trong quá khứ với cổ phiếu L14, trở thành cổ phiếu đắt nhất thị trường với mức giá lịch sử 420.000 đồng (ở thời điểm đó).

Bất chấp những lời cảnh báo từ những chuyên gia, từ những nhà đầu tư có kinh nghiệm rằng giá cổ phiếu đã tăng quá nóng, mức giá hiện tại đang cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của doanh nghiệp…

…những người theo dõi A7 vẫn kiên định với “niềm tin” của mình.

Và khi các cổ phiếu được đề xuất bởi A7 cuối cùng cũng sụp đổ, nhiều nhà đầu tư đã bị thua lỗ đáng kể.

Cổ phiếu DIG từ vùng giá 80k giảm về 15k sau 1 năm…

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Tự tin thái quá
Biến động giá cổ phiếu DIG trong 1 năm gần nhất – Nguồn: Simplize

Cổ phiếu CEO giảm từ vùng giá 70k về 22k sau 1 năm…

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Tự tin thái quá
Biến động giá cổ phiếu CEO trong 1 năm gần nhất – Nguồn: Simplize

Đặc biệt, cổ phiếu L14 từng có mức giá 400k thì giờ đang giao dịch ở mức 50k…

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Tự tin thái quá
Biến động giá cổ phiếu L14 trong 1 năm gần nhất – Nguồn: Simplize

Thậm chí, chia sẻ trên một diễn đàn chứng khoán, một nhà đầu tư đã bán lô đất trị giá hơn 12 tỷ đồng để đầu tư vào danh mục của A7, chỉ để chứng kiến cổ phiếu mất hơn 90% giá trị.

Đây rõ ràng là một ví dụ về sự tự tin thái quá trong đầu tư không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho nhân vật “A7”. Và cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả các nhà đầu tư tránh làm theo lời khuyên của người khác một cách mù quáng, mà không thực hiện nghiên cứu của riêng mình.

Một ví dụ khác là khi các nhà đầu tư đánh giá thấp khả năng xảy ra suy thoái thị trường hoặc cú sốc kinh tế nghiêm trọng, dẫn đến thất bại trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư và bảo vệ các khoản đầu tư của họ.

Ví dụ như nếu bạn đầu tư 100 triệu và chỉ nắm giữ cổ phiếu trong năm 2022, bạn sẽ lĩnh trọn cú sụt giảm hơn 30% của VN-Index do chính sách tiền tệ thắt chặt.

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Tự tin thái quá
Diễn biến chỉ số VN-Index trong 1 năm gần nhất – Nguồn: Simplize

Và 30% là mức giảm của VN-Index, còn nếu bạn đầu tư vào các cổ phiếu riêng lẻ, mức thua lỗ có thể sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cách khắc phục

Để tránh tâm lý “tự tin thái quá”, điều quan trọng là bạn phải rèn luyện ý thức khiêm tốn và sự tự nhận thức.

Hãy tập cách từ bỏ suy nghĩ rằng bạn đang có nhiều lợi thế về thông tin và sở hữu trực giác nhạy bén hơn những “người chơi” khác trên thị trường.

Thừa nhận những hạn chế của bản thân, và tìm kiếm từ chuyên gia, hoặc những lời khuyên trong những lĩnh vực mà bạn không có kiến thức hoặc kinh nghiệm cần thiết.

Bên cạnh đó, trước khi ra quyết định đầu tư, bạn phải tiến hành nghiên cứu kỹ lượng về cổ phiếu đó. Điều này bao gồm việc đọc báo cáo tài chính, phân tích các chỉ số tài chính, triển vọng ngành…

Ngoài ra, bạn nên thử tìm kiếm và xem xét các quan điểm, ý kiến “trái chiều”. Điều này có thể giúp bạn tránh rơi vào cái bẫy “chỉ nhìn thấy những gì bạn muốn thấy”.

#2. Nỗi sợ thua lỗ (Loss aversion)

Biểu hiện & Dẫn chứng

Nỗi sợ thua lỗ là một trạng thái tâm lý được hình thành từ các xung đột trong tâm lý nhà đầu tư, giữa sự kỳ vọng vào các khoản lời và các khoản lỗ.

Trong đó, trạng thái thua lỗ mang đến tâm lý nặng nề hơn, và không một ai thích cảm giác này cả!

Những nhà đầu tư này, họ sợ thua lỗ đến mức họ sẽ tập trung vào việc cố gắng tránh thua lỗ hơn là kiếm lợi nhuận.

Kết quả là, nhà đầu tư sẽ tiếp tục nắm giữ những khoản đầu tư thua lỗ lâu hơn mức cần thiết, với hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại.

Điều này là do họ tin rằng mình có thể tránh được việc “đối mặt với thực tế thua lỗ” miễn là họ chưa đóng giao dịch và giá cổ phiếu sẽ sớm tăng trở lại.

Chưa bán là chưa lỗ

Tuy nhiên, hành động có thể khiến cho tổn thất của họ tăng lên theo thời gian nếu cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.

Và thực tế đã trả lời cho chúng ta thấy, cảm giác nhìn cổ phiếu tiếp tục giảm sâu đến 50%, thậm chí 70% còn tồi tệ hơn nhiều.

Simplize_Sai lầm trong đầu tư_Nỗi sợ thua lỗ

Ở một khía cạnh khác, Nỗi sợ thua lỗ còn đi kèm với “Sự sung sướng tức thì”.

Tức là bạn sẽ muốn nhanh chóng đạt được chiến thắng, khi cổ phiếu mới tăng được một chút, bạn sẽ chốt lời luôn, không kiên nhẫn để chờ cổ phiếu phát huy hết tiềm năng của nó.

Rõ ràng, trong ngắn hạn, điều này khiến bạn cảm thấy kiếm được tiền, tuy nhiên về lâu dài, bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội, bỏ qua những đợt sóng lớn trên thị trường.

Cách khắc phục

Những sai lầm do “nỗi sợ thua lỗ” thường gặp nhiều hơn ở những nhà đầu tư mới (F0).

Khi mà họ chưa có những nguyên tắc, phương pháp đầu tư hoàn chỉnh?

Họ chưa hiểu rõ ràng về cổ phiếu mình đang đầu tư, không rõ sẽ có rủi ro gì, nên đa dạng hóa ra sao?

Vì thế, để vượt qua nỗi sợ này, bạn cần phải thiết lập nguyên tắc đầu tư cho bản thân và tuân thủ kỷ luật, phân bổ, đa dạng hóa danh mục đầu tư các khoản tiền một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, hãy đặt ra mức cắt lỗ “stop-loss” hoặc có sẵn kế hoạch về thời điểm bán cổ phiếu nếu nó giảm xuống dưới một điểm nhất định.

Quan trọng, hãy tập trung vào tiềm năng dài hạn của các khoản đầu tư, tránh đưa ra các quyết định bốc đồng dựa trên những biến động ngắn hạn của thị trường.

#3. Theo đuổi hiệu suất (Performance chasing)

Biểu hiệu & Dẫn chứng

Theo đuổi hiệu suất (performance chasing), hiểu đơn giản, là việc bạn đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên các hiệu suất quá khứ của cổ phiếu.

Đó có thể là hành động nhảy vào mua 1 cổ phiếu đã có những phiên “xanh liên tiếp” hoặc mua một cách mù quáng theo cơn sốt cổ phiếu nào đó với hy vọng sẽ thu được mức lợi nhuận tương tự (trong quá khứ) trong tương lai.

Mặc dù nghe có vẻ là một chiến lược hợp lý giúp bạn có thể có những chiến thắng nhanh chóng…

…nhưng cá nhân tôi lại thấy nó “khá rủi ro” đối với nhà đầu tư.

Một trong những rủi ro lớn nhất đó là nó có thể dẫn đến việc bạn mua vào cổ phiếu khi nó đang ở mức giá quá cao.

Bởi khi đầu tư theo đuổi hiệu suất trong quá khứ là bạn mua vào các cổ phiếu đã có sự tăng giá đáng kể. Và việc giá cổ phiếu đảo chiều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Simplize_Sai lầm trong đầu tư_Theo đuổi hiệu suất
Nếu dựa trên hiệu suất 700% trong 6 tháng (giai đoạn T9.2021 – T3.2022), thì kể từ tháng 3.2022 đến nay khả năng thua lỗ của bạn là CHẮC CHẮN!

Một rủi ro khác của việc theo đuổi hiệu suất là nó có thể dẫn đến những tổn thất đáng kể.

Đầu tư vào một cổ phiếu vì hiệu suất trong quá khứ của nó, có nghĩa là bạn sẽ không thực hiện việc phân tích hay nghiên cứu về cổ phiếu đó.

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp

Điều này có thể khiến bạn đầu tư vào một cổ phiếu không có tiềm năng thực sự để tăng trưởng trong dài hạn, hoặc đầu tư vào một công ty hoặc lĩnh vực đang đối mặt với những khó khăn đáng kể.

Trong cả hai trường hợp, bạn đều đang đặt mình vào rủi ro thua lỗ.

Cách khắc phục

Mặc dù việc nắm bắt xu hướng không phải là điều xấu, nhưng việc bạn đưa ra quyết định đầu tư chỉ dựa trên việc xem xét lợi nhuận trong quá khứ là điều không nên.

Thay vào đó, bạn hãy thực hiện việc đánh giá và phân tích kỹ lưỡng các điểm mạnh và điểm yếu cơ bản của công ty, tiềm năng tăng trưởng, sức khỏe tài chính và định giá…

Hãy phát triển một chiến lược đầu tư đa dạng phù hợp với các mục tiêu tài chính dài hạn của bạn. Điều này sẽ bạn giúp tránh đưa ra các quyết định ngắn hạn chỉ dựa trên kết quả hoạt động trong quá khứ.

Và quan trọng, tránh xác định thời điểm thị trường. Cố gắng xác định thời điểm thị trường có thể là một hành động vô ích, vì rất khó để dự đoán các chuyển động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. Thay vào đó, hãy tập trung vào một chiến lược đầu tư dài hạn dựa trên các nguyên tắc tài chính lành mạnh và phù hợp với các mục tiêu tài chính cá nhân của bản thân.

Ngoài ra, nếu bạn không chắc chắn về chiến lược đầu tư của mình, hãy cân nhắc tham khảo ý kiến ​​của cố vấn tài chính, của các chuyên gia. Những người có thể giúp bạn phát triển một kế hoạch phù hợp với mục tiêu tài chính và khả năng chịu rủi ro của bạn.

#4. Tâm lý bầy đàn (Herd mentality bias)

Biểu hiện & Dẫn chứng

Tâm lý bầy đàn là một hiệu ứng tâm lý đề cập đến xu hướng của các nhà đầu tư làm theo và sao chép những gì mà các nhà đầu tư khác đang làm, thay vì dựa trên nghiên cứu hoặc phân tích của riêng họ.

Khi người ta mua vào, mình cũng mua vào, khi người ta bán ra mình cũng bán ra.

Hành vi này có thể đặc biệt nguy hiểm trên thị trường chứng khoán, nơi nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi những tin đồn và có thể không có tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt.

Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của khuynh hướng tâm lý bầy đàn là theo đuổi hiệu suất (như chúng ta đã tìm hiểu ở trên).

Điều này xảy ra khi các nhà đầu tư chạy theo xu hướng hoặc cổ phiếu mới nhất, mua vào sau khi giá đã tăng.

Ví dụ: bạn mua một cổ phiếu của một công ty mới IPO và giá đã tăng gấp 5 – 6 lần chỉ trong hơn một tháng, đơn giản chỉ vì các nhà đầu tư khác đang mua nó và đẩy giá lên cao hơn nữa.

Một biểu hiện phổ biến khác của tâm lý bầy đàn là hoảng loạn bán tháo trong thời kỳ thị trường suy thoái.

Khi thị trường đi xuống, các nhà đầu tư có thể trở nên sợ hãi và bán bớt cổ phiếu đang nắm giữ, ngay cả khi họ có vị thế tốt để vượt qua suy thoái.

Chính điều này đã khiến thị trường cổ phiếu việt nam tụt xuống dưới 900 điểm cuối năm 2022.

Hành vi này thường được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi rằng các nhà đầu tư khác cũng sẽ bán, tạo ra sự hoảng loạn khiến giá tiếp tục giảm.

Cách khắc phục

Tâm lý bầy đàn có thể khó giải quyết, vì nó bắt nguồn từ khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là chạy theo đám đông và tìm kiếm sự công nhận của xã hội.

Người ta chạy theo đám đông đơn giản vì nó đem lại cảm giác an toàn hơn.

Tuy nhiên, có một vài chiến lược có thể được sử dụng để giảm thiểu tác động của nó:

  • Đầu tiên, trước khi bạn đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, hãy dành thời gian tìm hiểu về công ty và ngành.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng bất kỳ khoản đầu tư nào trước khi đưa ra quyết định. Đừng dựa vào những gì các nhà đầu tư khác đang nói và đừng bị ảnh hưởng bởi các xu hướng ngắn hạn.

  • Thứ hai, phát triển một kế hoạch đầu tư dài hạn dựa trên các mục tiêu tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro và thời gian đầu tư của bạn.

Việc đề ra các nguyên tắc khi đầu tư sẽ giúp bạn vừa nắm bắt được cơ hội, và vừa giúp bạn có một “điểm dừng” khi đám đông, “bầy đàn” bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.

  • Điều cuối cùng để hạn chế sự ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông đến tâm lý và hành động đó là luôn sẵn sàng tách biệt bản thân ra khỏi đám đông, kiểm soát sự bất ổn trong tâm lý và bứt phá khỏi giới hạn của mình.

Đám đông có thể đúng nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Khi đám đông hành động không hiệu quả hay hợp lý, hãy tách khỏi đám đông.

Nếu bạn cảm thấy phương án đầu tư của mình đi ngược lại với xu hướng trên thị trường, hãy tham khảo những nguồn thông tin, đánh giá và dự báo của đám đông và kết hợp sử dụng chiến lược tiếp cận thông minh để tối thiểu rủi ro.

Bằng cách áp dụng các chiến lược này, bạn có thể giúp bảo vệ các khoản đầu tư của mình khỏi những tác động tiêu cực của tâm lý bầy đàn và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn phù hợp với mục tiêu tài chính của mình.

#5. Đa dạng hóa quá mức

Biểu hiện & Dẫn chứng

Đa dạng hóa quá mức cũng là một sai lầm trong đầu tư chứng khoán.

Dấu hiệu của việc đa dạng hóa quá mức bao gồm việc bạn sở hữu một danh mục đầu tư với số lượng lớn cổ phiếu khác nhau, nhưng lại thiếu chiến lược đầu tư rõ ràng và không có khả năng giải thích rõ ràng lý do đằng sau các quyết định đầu tư đó.

Hãy mở tài khoản chứng khoán của bạn lên và xem bạn đang có bao nhiêu cổ phiếu trong đó?

Khi nhìn vào danh sách cổ phiếu này, bạn có hình dung được mình đang nắm giữ những cổ phiếu này vì mục đích gì hay không?

Là ăn chênh lệch giá? Là chiến lược đầu tư ăn cổ tức? Thậm chí là sao mình lại có cổ phiếu này trong danh mục nhỉ?

Nếu câu trả lời là TÔI KHÔNG BIẾT!

Thì xin chia buồn, bạn đang gặp phải sai lầm mà chúng ta đang đề cập ở đây.

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Đa dạng hóa quá mức
Đa dạng hóa quá mức là một sai lầm phổ biến trong đầu tư chứng khoán

Việc đa dạng hóa quá mức có thể dẫn đến lợi nhuận tổng thể thấp hơn kỳ vọng và chi phí giao dịch cao hơn.

Bởi khi bạn nắm giữ quá nhiều cổ phiếu khác nhau, việc quản lý, giám sát danh mục đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bạn có thể không biết khi nào nên cân đối lại danh mục đầu tư hoặc thay đổi chiến lược đầu tư để duy trì mục tiêu hướng tới các mục tiêu tài chính dài hạn. Khiến cho chi phí quản lý danh mục có thể sẽ vượt quá lợi ích mà nó mang lại.

Cách khắc phục

Cách tốt nhất để tránh đa dạng hóa quá mức là bạn nên tập trung vào Chất lượng hơn là số lượng.

Thay vì đầu tư dàn trải trên một số lượng lớn cổ phiếu, bạn nên tập trung vào một số lượng nhỏ các khoản đầu tư chất lượng cao phù hợp với mục tiêu đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân.

Điều này có thể giúp đơn giản hóa danh mục đầu tư và giảm chi phí giao dịch.

Tiếp theo, định kỳ đánh giá lại danh mục đầu tư để có những thay đổi cần thiết.

Thường xuyên xem xét và điều chỉnh danh mục đầu tư có thể giúp nhà đầu tư xác định những cổ phiếu không hoạt động như mong đợi hoặc không còn phù hợp với chiến lược đầu tư của mình.

Bạn có thể sử dụng Cộng cụ Phân bổ vốn trên Simplize để tối ưu lại danh mục đầu tư của mình.

Simplize_Sai lầm trong đầu tư chứng khoán_Đa dạng hóa quá mức
Ví dụ về kết quả phân bổ danh mục với mục tiêu tối thiểu rủi ro phát sinh

Kết luận

Tâm lý hành vi là một khía cạnh quan trọng trong đầu tư mà bạn cần phải hiểu rõ và kiểm soát để có thể đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Sai lầm là một phần tự nhiên của quá trình học tập và điều quan trọng là tránh lặp lại chúng.

Bằng cách nhận thức được những sai lầm trong đầu tư chứng khoán như sự tự tin thái quá, nỗi sợ mất mát, theo đuổi hiệu suất, tâm lý bầy đàn hay đa dạng hóa quá mức… bạn có thể hành động để giảm thiểu những sai lầm này và cải thiện được việc quyết định đầu tư của mình.

Bằng cách áp dụng những tips nhỏ và liên tục tự học về đầu tư, bạn hoàn toàn có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn và có vị thế tốt hơn để đạt được thành công lâu dài hơn.

Chia sẻ bài viết

Simplize team

Đội ngũ Phát triển sản phẩm của Simplize. Là những thành viên có nền tảng kiến thức chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668