Learn
New AI

Thông báo

Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Tất cả
Cổ phiếu
Cảnh báo
Khác
Vốn chủ sở hữu là gì? Cách tính và phân biệt với vốn điều lệ

Vốn chủ sở hữu là gì? Cách tính và phân biệt với vốn điều lệ

Tuấn Trần08/04/2023
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia

Lan Phạm, CFA

Chị Lan Phạm, CFA hiện đang là COO và Co-founder của Simplize. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, hơn 5 năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các Ngân hàng Top 5. Chị tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại và Thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngoại Thương. Chị là CFA Charter Holder năm 2015.
Xem chi tiết
Được kiểm duyệt bởi chuyên gia
Lan Phạm, CFA

Vốn chủ sở hữu là một khái niệm trong đầu tư chứng khoán.

Chỉ tiêu này đóng vai trò quan trọng trong việc định giá cổ phiếu và ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của một doanh nghiệp.

Vì vậy, hiểu rõ về vốn chủ sở hữu là một yếu tố cần thiết giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư thông minh và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn:

  • Những kiến thức cơ bản về vốn chủ sở hữu
  • Cách xác định vốn chủ sở hữu
  • Ý nghĩa của nó trong đầu tư và lợi ích khi chúng ta đầu tư vào các công ty có vốn chủ sở hữu lớn.

Vốn chủ sở hữu là gì?

Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp thuộc sở hữu của các cổ đông và thành viên góp vốn (chủ sở hữu).

Chỉ tiêu này được thể hiện trên báo cáo tài chính (cụ thể là bảng cân đối kế toán) của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu HPG 2022
Vốn chủ sở hữu cổ phiếu HPG cuối năm 2022 đạt 96,113 tỷ đồng (Nguồn: Báo cáo tài chính 2022 của HPG)

Cách xác định vốn chủ sở hữu

Bạn có thể tính vốn chủ sở hữu theo công thức:

Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – Nợ phải trả

Trong đó:

  • Tổng tài sản bao gồm tất cả tài sản của doanh nghiệp:
    Tài sản cố định (như đất đai, nhà xưởng,…) và
    Tài sản lưu động (như tiền mặt, các khoản phải thu…).
  • Nợ phải trả là giá trị các khoản mà doanh nghiệp phải trả, bao gồm:
    Nợ ngắn hạn (trả trong vòng 1 năm) và
    Nợ dài hạn (trả trong vòng nhiều năm)

Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng tài sản là 10 tỷ đồng. Nợ phải trả là 6 tỷ. Thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ là: 10 – 6 = 4 tỷ đồng.

Nguồn hình thành vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp

Nguồn hình thành vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp sẽ được thể hiện chi tiết trên bảng cân đối kế toán.

Nguồn hình thành vốn chủ sở hữu
Nguồn hình thành vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp (Nguồn: Simplize)

Tùy vào mô hình kinh doanh (loại hình doanh nghiệp) mà vốn chủ sở hữu gồm các thành phần khác nhau.

Nhưng về cơ bản thì nó được cấu thành từ các yếu tố sau:

#1. Vốn góp của chủ sở hữu

Vốn góp của chủ sở hữu là số tiền đầu tư góp vốn của cổ đông.

Nguồn vốn này tồn tại dưới 2 hình thức là:

  • Vốn góp chủ sở hữu (hay vốn cổ phần): Số vốn góp thực tế của cổ đông. Chi tiết số vốn sẽ được ghi rõ đối với từng thành viên tham gia góp vốn trong Điều lệ công ty.
    Đối với Công ty cổ phần, số vốn góp được ghi nhận theo mệnh giá cổ phiếu (10,000 đồng/CP).
  • Thặng dư vốn cổ phần: Số tiền thu được từ chênh lệch giá phát hành so với mệnh giá cổ phiếu.

Ví dụ:

Doanh nghiệp A phát hành 50,000 cổ phiếu với giá 30k/CP để huy động vốn.

Số vốn thu về dự kiến là: 50,000 x 30,000 = 1,500,000,000 đồng.

Và số vốn 1.5 tỷ đồng này được hạch toán như sau trên báo cáo tài chính:

  • Số tiền: 50,000 (cổ phiếu) x 10,000 (mệnh giá) = 500,000,000 đồng được ghi nhận vào Vốn cổ phần
  • Số tiền chênh lệch: 50,000 (cổ phiếu) x (30,000 – 10,000) (phần chênh lệch giá phát hành và mệnh giá) = 1,000,000,000 đồng sẽ được ghi vào Thặng dư vốn cổ phần của công ty A

#2. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh

Đây là khoản lợi nhuận còn lại sau khi khấu trừ thuế, chưa được chia cho các cổ đông và thành viên liên doanh.

Lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bao gồm:

  • Lợi nhuận chưa phân phối: là phần lợi nhuận được giữ lại trong doanh nghiệp để tái đầu tư
  • Các quỹ doanh nghiệp: Quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển,… được hình thành với tỷ lệ trích lập quỹ không được vượt quá quy định của pháp luật
Nguồn: Simplize

#3. Các khoản chênh lệch đánh giá lại

Bao gồm:

  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản: Phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản đánh giá lại chủ yếu là Tài sản cố định, Bất động sản đầu tư, hay thậm chí là Hàng tồn kho…
  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Chênh lệch tỷ giá hối đoái thường phát sinh trong các trường hợp:
    • Thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán phát sinh bằng ngoại tệ.
    • Đánh giá lại các mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
    • Chuyển đổi BCTC từ ngoại tệ sang Việt Nam đồng

#4. Nguồn vốn khác

Các nguồn vốn chủ sở hữu khác bao gồm:

  • Cổ phiếu quỹ: giá trị số cổ phiếu do doanh nghiệp mua lại. Giá trị này bao gồm giá cổ phiếu tại thời điểm mua lại và toàn bộ các chi phí liên quan.
  • Nguồn vốn xây dựng cơ bản, nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn khác…

Các nguồn vốn khác này thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Trong 4 nhóm trên, Vốn góp của chủ sở hữu và Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là 2 nguồn hình thành chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Ý nghĩa của vốn chủ sở hữu trong đầu tư chứng khoán

Vốn chủ sở hữu được coi là nguồn tài trợ cố định và thường xuyên của doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động, vốn chủ sở hữu sẽ được bổ sung từ nhiều nguồn khác như: lợi nhuận kinh doanh, chênh lệch giá trị tài sản, chênh lệch giá cổ phiếu…

Do đó, vốn chủ sở hữu có ý nghĩa rất lớn trong đầu tư chứng khoán.

Vốn chủ sở hữu thể hiện khả năng của doanh nghiệp tồn tại lâu dài và đáp ứng được các nhu cầu tài chính của công ty.

Cho thấy sức mạnh tài chính của doanh nghiệp, mức độ nợ của công ty và khả năng đảm bảo thanh toán các khoản nợ trong tương lai.

Do đó, khi đầu tư vào một công ty, bạn nên xem xét tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản và so với các khoản nợ của công ty.

Nếu tỷ lệ này quá thấp, điều này cho thấy công ty đang sử dụng quá nhiều nợ vay để đầu tư và có rủi ro cao về khả năng thanh toán nợ.

Ví dụ:

Công ty A có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản là 20%, tức là công ty chỉ sở hữu được 20% tài sản của mình, còn lại là vốn vay từ ngân hàng.

Trong trường hợp này, nếu công ty gặp phải các khó khăn về tài chính, như không thể thanh toán được các khoản nợ hoặc có lỗ trong hoạt động kinh doanh, công ty sẽ gặp rủi ro cao về khả năng thanh toán nợ và có thể bị mất uy tín trên thị trường chứng khoán.

Vốn chủ sở hữu

Ngược lại…

Nếu tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn, điều này thể hiện khả năng tài chính của công ty tốt hơn và giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Trong trường hợp này, công ty có khả năng đảm bảo thanh toán các khoản nợ (do vay nợ ít) và có sức mạnh tài chính để đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh mới, tăng cường năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh một cách bền vững.

tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của BMP
BMP gần như không sử dụng đòn bẩy tài chính trong khi các đối thủ trong ngành đang sử dụng đòn bẩy tương đối cao (Nguồn: Simplize – Phân tích 360 | Sức khỏe tài chính)

Nói tóm lại, vốn chủ sở hữu có ảnh hưởng đáng kể đến tính bền vững và khả năng sinh lời của một công ty và là một trong những chỉ số quan trọng giúp chúng ta đánh giá doanh nghiệp trong đầu tư chứng khoán.

Top 10 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất trên sàn chứng khoán

Dựa trên báo cáo tài chính năm 2022, dưới đây là danh sách 10 mã cổ phiếu có vốn chủ sở hữu lớn nhất trên sàn chứng khoán.

STT Mã CK Tên doanh nghiệp Vốn chủ sở hữu (tỷ đồng)
1 VHM CTCP Vinhomes 148,522
2 VCB Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam 137,988
3 VIC Tập đoàn Vingroup – CTCP 135,613
4 TCB Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 113,425
5 CTG Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 108,305
6 BID Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 104,206
7 VPB Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 103,502
8 HPG CTCP Tập đoàn Hòa Phát 96,113
9 MBB Ngân hàng TMCP Quân đội 79,613
10 GAS Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP 61,174

Vốn chủ sở hữu thay đổi khi nào và thể hiện điều gì?

Vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và thay đổi trong quá trình hoạt động. Sự tăng giảm vốn chủ sở hữu sẽ thể hiện tình trạng của công ty.

Cụ thể:

Vốn chủ sở hữu tăng khi nào?

Dưới đây là 1 số trường hợp (phổ biến) làm tăng nguồn vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp mà bạn nên biết:

  • Chủ sở hữu góp thêm vốn:
    Khi chủ sở hữu góp thêm vốn vào doanh nghiệp, nguồn vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên tương ứng với số tiền góp thêm.
  • Nguồn bổ sung từ lợi nhuận kinh doanh:
    Khi doanh nghiệp có lợi nhuận kinh doanh, một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận này có thể được sử dụng để bổ sung vào vốn chủ sở hữu.
  • Cổ phiếu được phát hành cao hơn so với mệnh giá ghi sổ:
    Khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với giá cao hơn so với mệnh giá, khoản chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cũng sẽ được ghi nhận vào Thặng dư vốn cổ phần (thuộc Vốn chủ sở hữu).

Vốn chủ sở hữu tăng thể hiện điều gì?

Nhìn chung, vốn chủ sở hữu tăng chủ yếu đến từ:

  • (1) huy động được thêm vốn từ các nhà đầu tư, hoặc
  • (2) lợi nhuận tăng của công ty.

Trường hợp vốn chủ sở hữu tăng từ lợi nhuận tăng, điều này cho thấy doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả, các hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận.

Công ty đã có một mô hình kinh doanh đúng đắn, một chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả và có khả năng duy trì tăng trưởng trong tương lai.

Điều này làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào công ty và từ đó tạo ra giá trị cho cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán.

Trường hợp công ty tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu hoặc chào bán các cổ phiếu mới.

Điều này cho thấy công ty đang có nhu cầu vốn lớn để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại.

Nó thể hiện sự quyết tâm và khát khao phát triển của công ty và cho thấy rằng công ty đang có kế hoạch phát triển chiến lược dài hạn.

Như năm 2017, CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) đã phát hành thêm 5.2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành là 18,000 đồng/cổ phiếu, huy động về hơn 92 tỷ đồng. Nhằm bổ sung vốn đối ứng đầu tư cho giai đoạn 2 của nhà máy giấy Giao Long.

Và kết quả là, sau 4 năm đầu tư và đi vào vận hành, kết quả kinh doanh của DHC đã có sự tăng trưởng vượt bậc

tăng vốn DHC
Doanh thu tăng gấp 5 lần từ 800 tỷ lên 4,000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 4.7 lần, từ 93 tỷ lên 435 tỷ đồng (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính DHC)

Tuy nhiên, không phải cứ doanh nghiệp huy động thêm vốn từ cổ đông là tốt.

Không ít doanh nghiệp đi huy động vốn từ cổ đông, xong lại sử dụng vốn sai mục đích (tuồn tiền cho công ty sân sau, đem tiền đi trả nợ…)

Do đó, bạn sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng việc huy động vốn mới của công ty để đảm bảo rằng công ty có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý và mang lại lợi ích cho các cổ đông.

Vốn chủ sở hữu giảm khi nào?

Ngược lại, vốn chủ sở hữu giảm khi:

  • Doanh nghiệp trả lại phần vốn đã góp cho các chủ sở hữu:
    Nếu doanh nghiệp phải trả lại phần vốn đã góp cho các chủ sở hữu, nguồn vốn chủ sở hữu sẽ giảm tương ứng với số tiền phải trả lại.
  • Cổ phiếu phát hành với giá thấp hơn mệnh giá:
    Nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn mệnh giá, khoản chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá sẽ được ghi nhận âm (-), dẫn đến giảm vốn chủ sở hữu.
  • Doanh nghiệp, công ty bị phá sản hoặc giải thể:
    Khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể, tất cả tài sản sẽ được bán để thanh toán các khoản nợ.
    Sau khi thanh toán hết các khoản nợ, số tiền còn lại sẽ được phân chia cho các chủ sở hữu tương ứng với tỷ lệ sở hữu của họ.
    Nếu số tiền còn lại không đủ để thanh toán cho các chủ sở hữu, thì vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống.
  • Phải bù lỗ cho các hoạt động kinh doanh (theo quy định của Nhà nước):
    Khi doanh nghiệp bù lỗ cho các hoạt động kinh doanh theo quy định của Nhà nước, nguồn vốn chủ sở hữu sẽ giảm tương ứng với số tiền phải bù lỗ.

Vốn chủ sở hữu giảm thể hiện điều gì?

Nhìn chung, việc vốn chủ sở hữu giảm được xem là một tín hiệu tiêu cực, vì điều này chỉ ra rằng công ty đang gặp khó khăn!

Nếu vốn chủ sở hữu giảm do lợi nhuận giảm, điều này cho thấy công ty đang gặp vấn đề về kinh doanh.

Lợi nhuận thấp hoặc âm thường cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh.

Nếu tình hình này tiếp diễn trong 1 khoảng thời gian dài, công ty sẽ đối mặt với rủi ro về thanh khoản và gặp khó khăn trong việc trả tiền cho các khoản nợ.

Từ đó sẽ không có khả năng tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông trong tương lai.

vốn chủ sở hữu giảm do lợi nhuận giảm
vốn chủ sở hữu giảm do lợi nhuận giảm, điều này cũng cho thấy rằng công ty đang gặp vấn đề về kinh doanh

Tuy nhiên, giảm vốn chủ sở hữu không phải lúc nào cũng là tiêu cực.

Ví dụ, nếu công ty quyết định mua lại một số lượng cổ phiếu (mua cổ phiếu quỹ), điều này có thể giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện tại, nhưng đồng thời tăng giá trị cổ phiếu của công ty và giúp tạo đà cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Trong trường hợp này, việc giảm vốn chủ sở hữu không phải là dấu hiệu của sự suy yếu tài chính mà là một chiến lược đầu tư.

  • Tìm hiểu thêm: Cổ phiếu quỹ là gì? Tại sao doanh nghiệp lại mua cổ phiếu quỹ?

Do đó, khi xem xét việc đầu tư vào một công ty, bạn cần phân tích và đánh giá kỹ lưỡng việc giảm vốn chủ sở hữu.

Việc giảm vốn chủ sở hữu không phải lúc nào cũng là tín hiệu tiêu cực; và ngược lại, việc tăng vốn chủ sở hữu cũng không phải lúc nào cũng là tín hiệu tích cực.

Bạn cần đánh giá một cách toàn diện trạng thái tài chính và kinh doanh của công ty để từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Doanh nghiệp trả cổ tức ảnh hưởng thế nào đến vốn chủ sở hữu?

Cổ tức là phần lợi nhuận sau thuế chia cho cổ đông (sau khi doanh nghiệp đã trích lập các quỹ). Cổ tức gồm 2 loại:

  • Cổ tức bằng tiền
  • Cổ tức bằng cổ phiếu

Vậy khi doanh nghiệp trả cổ tức sẽ tác động như thế nào đến vốn chủ sở hữu?

Doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền

Trả cổ tức bằng tiền là việc doanh nghiệp trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt.

Khi đó, vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp sẽ có sự biến động.

Cụ thể:

Khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ giảm.

Điều này là do tiền mặt được sử dụng để trả cổ tức sẽ bị trừ đi khỏi tài sản của doanh nghiệp.

Do đó, vốn chủ sở hữu sẽ giảm đi một khoản tương đương với số tiền trả cổ tức.

Vốn chủ sở hữu VNM
Trong năm 2022, cổ phiếu VNM đã chi hơn 10,972 tỷ đồng cổ tức tiền cho cổ đông. Số cổ tức này đã làm giảm vốn chủ sở hữu của VNM (Nguồn: Báo cáo tài chính 2022 – VNM)

Doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu

Với trường hợp này, thay vì chi tiền thì doanh nghiệp sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông.

Khi đó, việc trả cổ tức sẽ không ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không thay đổi khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Bởi trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ được nhận thêm số lượng cổ phiếu tương ứng với số cổ phiếu hiện có.

Lúc này, không có dòng tiền mặt nào đi ra khỏi doanh nghiệp cả.

Nó chỉ chuyển từ khoản mục Lợi nhuận chưa phân phối sang Vốn cổ phần (trên báo cáo tài chính) mà thôi.

Vốn chủ sở hữu MWG
Trong năm 2022, cổ phiếu MWG trả cổ tức bằng cổ phiếu. Dòng tiền cổ tức không đi ra khỏi doanh nghiệp, nó chỉ chuyển từ Lợi nhuận chưa phân phối sang Vốn cổ phần (Nguồn: Báo cáo tài chính 2022 – MWG)

Phân biệt: Vốn chủ sở hữu & Vốn điều lệ

Vốn chủ sở hữu và Vốn điều lệ là hai loại hình vốn quan trọng, được nhắc đến nhiều trong cơ cấu vốn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại chưa phân biệt được Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu dẫn đến một số hiểu lầm trong đầu tư.

Dưới đây là những tiêu chí giúp bạn phân biệt vốn điều lệvốn chủ sở hữu doanh nghiệp:

Vốn chủ sở hữu Vốn điều lệ
Bản chất Là tất cả số vốn thuộc về cổ đông, bao gồm cả vốn điều lệ và lợi nhuận trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh thu lại được.

Thông thường, vốn chủ sở hữu sẽ có quy mô lớn hơn so với vốn điều lệ.

Là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Trên báo cáo tài chính, nó được thể hiện dưới tên gọi là Vốn cổ phần.

Cơ chế hình thành Vốn chủ sở hữu có thể hình thành từ ngân sách Nhà nước, do doanh nghiệp bỏ ra hoặc do góp vốn cổ phần, bổ sung từ lợi nhuận để lại hoặc từ những nguồn thu khác của doanh nghiệp Vốn điều lệ được hình thành dựa trên số vốn do các thành viên và chủ sở hữu đóng góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định.

Vốn điều lệ được thể hiện trên Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và được ghi nhận trong bản kê khai vốn điều lệ.

Nếu muốn tăng/giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Là một nhà đầu tư, việc bạn đầu tư vào những công ty có vốn điều lệ lớn có thể là một lựa chọn khôn ngoan vì những lý do sau:

  • Khả năng thanh toán và ổn định tài chính cao hơn:
    Vốn điều lệ lớn cho thấy công ty đã đầu tư nhiều tài sản và tiền vào hoạt động kinh doanh.
    Điều này giúp tăng khả năng thanh toán các khoản nợ, tạo sự ổn định tài chính cho công ty.
    Điều này giúp cho công ty có thể tiếp tục hoạt động và phát triển dài hạn.
  • Tiềm năng tăng trưởng và phát triển:
    Vốn điều lệ lớn cho thấy công ty có khả năng mở rộng quy mô, tăng cường năng lực sản xuất, đầu tư vào các dự án mới.
    Việc tăng trưởng và phát triển này có thể dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận và giá cổ phiếu trong tương lai.
  • Tăng tính thanh khoản:
    Các công ty có vốn điều lệ lớn thường có quy mô lớn hơn và được đánh giá cao hơn trên thị trường chứng khoán.
    Giúp bạn có thể mua/bán cổ phiếu một cách dễ dàng hơn.
  • Tính minh bạch và niêm yết tốt hơn:
    Các công ty có vốn điều lệ lớn thường được đánh giá cao hơn về tính minh bạch và niêm yết.
    Điều này giúp giảm rủi ro cho bạn và tạo sự tin tưởng trong việc đầu tư vào công ty.

Top 10 doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn chứng khoán

Dựa trên báo cáo tài chính 2022, dưới đây là danh sách 10 mã cổ phiếu có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn chứng khoán.

STT Mã CK Tên doanh nghiệp Vốn điều lệ (tỷ đồng)
1 VPB Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 67,434
2 HPG CTCP Tập đoàn Hòa Phát 58,148
3 BID Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 50,585
4 CTG Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 48,058
5 VCB Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 47,325
6 MBB Ngân hàng TMCP Quân đội 45,340
7 VHM CTCP Vinhomes 43,544
8 GVR Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 40,000
9 VIC Tập đoàn Vingroup – CTCP 38,688
10 TCB Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 35,172

Phân biệt: Vốn chủ sở hữu & Vốn hóa thị trường

Vốn chủ sở hữu và Vốn hóa thị trường cũng là 2 khái niệm mà nhiều nhà đầu tư bị nhầm lẫn.

Theo đó, Vốn hóa thị trường là một chỉ số đo lường giá trị của tất cả cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường của một công ty, được tính toán bằng:

Vốn hóa thị trường = Giá hiện tại x Số lượng cổ phiếu lưu hành

Từ công thức, bạn cũng có thể thấy:

Vốn hóa thị trường có thể tăng lên hoặc giảm xuống, tùy thuộc vào sự biến động của giá cổ phiếu công ty đó (trong khi Vốn chủ sở hữu thì không).

Bạn có thể sử dụng vốn hóa thị trường để so sánh giá trị của các công ty khác nhau trong cùng một lĩnh vực hoặc để đo lường giá trị của danh mục đầu tư của mình.

Ngoài ra, việc đầu tư vào các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn sẽ giúp bạn tránh được rủi ro thanh khoản của cổ phiếu.
Tức là bạn có thể bán cổ phiếu (thoái vốn) nhanh mà không mất quá nhiều chi phí khi thực hiện.

Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán

Dưới đây là danh sách 10 mã có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán (cập nhật T4/2023)

STT Mã CK Tên doanh nghiệp Vốn hóa (tỷ đồng)
1 VCB Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam 432,551
2 BID Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 233,703
3 VHM CTCP Vinhomes 224,249
4 VIC Tập đoàn Vingroup – CTCP 209,766
5 GAS Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP 195,222
6 ACV Tổng Công ty Càng hàng không Việt Nam – CTCP 178,509
7 VNM CTCP Sữa Việt Nam 155,492
8 VPB Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 141,312
9 CTG Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 140,327
10 HPG CTCP Tập đoàn Hòa Phát 120,947

Kết luận

Trên đây là những kiến thức cơ bản về vốn chủ sở hữu và tầm quan trọng của nó trong đầu tư chứng khoán.

Vốn chủ sở hữu là một chỉ số quan trọng để bạn đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nó cho thấy khả năng tự chủ và năng lực tài chính của một công ty.

Đầu tư vào các công ty có vốn chủ sở hữu lớn có thể mang lại cho bạn sự ổn định tài chính và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, nhưng đây không phải là chỉ tiêu duy nhất giúp ra quyết định trong việc đầu tư chứng khoán.

Bạn cần phải xem xét và phân tích một loạt các chỉ số khác như lợi nhuận, doanh thu, tài sản và nợ phải trả… để có được cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Từ đó mới có thể đưa ra quyết định đầu tư chính xác và hiệu quả được.

Chúc bạn đầu tư thành công!

Chia sẻ bài viết

Tuấn Trần

Tuấn Trần là 1 trong những chuyên gia hàng đầu về đầu tư giá trị tại Việt Nam. Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích đầu tư, quản lý quỹ trước khi gia nhập Simplize. Danh mục Quỹ Income do anh Tuấn Trần quản lý có lợi nhuận bình quân +18%/năm và vượt trội hơn chỉ số VN-Index hơn 41% kể từ khi thành lập. Cổ phiếu của anh Tuấn Trần phân tích tập trung vào những nhóm ngành "khó" như ngân hàng, dầu khí, năng lượng, bán lẻ... Theo anh, đầu tư giá trị là con đường duy nhất mà nhà đầu tư cá nhân có thể chiến thắng trên thị trường chứng khoán

Không bỏ lỡ những kiến thức mới nhất từ Simplize

Để lại email của bạn dưới đây để nhận được những bài viết kiến thức mới nhất dành riêng cho subscribers của Simplize.

make investing Simple

Download on the

App Store

GET IT ON

Google Play

CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE
| MST: 0109620361DMCA.com Protection Status
CÔNG TY CỔ PHẦN SIMPLIZE| MST: 0109620361
DMCA.com Protection Status

© 2022 Simplize | Số 5 ngõ 316 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (+84) 38 840 8668

Thợ săn cổ phiếu 2.0

Thị trường bùng nổ, cổ phiếu nào sẽ tăng+200% +300%trong năm 2024?